Sở GTVT TP.HCM nói về thu phí hành lý xe buýt
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (Sở GTVT TP) khẳng định việc thu phí hành lý khi đi xe buýt là có quy định về khối lượng, kích cỡ và số tiền cụ thể.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (trung tâm), hành khách đi xe buýt ở TP.HCM cũng giống như hàng không phải tuân thủ các quy định về kích cỡ hàng hóa. Theo đó, tùy vào kích cỡ và cân nặng của hành lý, hành khách sẽ phải trả thêm phí hoặc bị từ chối vận chuyển nếu hành lý quá khổ.
Lúc bị thu phí hành lý, lúc thì không
Từ trường hợp một hành khách phản ánh trên mạng xã hội khi bị thu phí hành lý là 10.000 đồng khi đi xe buýt tuyến số 151 (Bến xe Miền Tây - Bến xe An Sương), nhiều hành khách thắc mắc về việc có quy định thu phí hành lý khi đi xe buýt hay không.
Nhiều hành khách ở TP.HCM vẫn thắc mắc về việc thu phí hành lý khi đi xe buýt. Ảnh: ĐT
Anh Nguyễn Văn Thái (ngụ quận 3) cho biết anh đã nhiều lần đi xe buýt, có mang theo va ly, anh cũng bị thu tiền vé hành lý như vé một người. Không chỉ vậy, nhiều lần tiếp viên cũng không xé vé cho hành khách.
Tương tự, ông Đoàn Văn Thanh, ngụ TP Thủ Đức, cho biết: “Có lần tôi bị tính cước như vé một người, song có lần lại không tính. Thực sự chi phí đó không lớn nhưng nếu rõ ràng thì hành khách sẽ cảm thấy thoải mái và hài lòng hơn. Ngoài ra, nếu hành khách đi sân bay đôi khi có nhiều va ly thì có quy định về thu phí hành lý cụ thể hay không. Việc này nhiều người nói có thu phí, người nói không nên chúng tôi cũng không rõ thế nào”.
Trước vấn đề trên, ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, thuộc Sở GTVT TP.HCM, cho biết theo quy định tại mục 3 Điều 22 Quyết định 20/2014 của UBND TP: Hành khách mang theo hành lý xách tay nặng không quá 10 kg và kích thước không quá 30x40x60 cm thì không phải trả tiền cước. Trường hợp hành lý trên 10 kg và vượt kích thước trên thì mỗi phần diện tích chiếm chỗ bằng chỗ đứng thì thu thêm tiền bằng một vé.
Theo đó, việc thu tiền hành lý 10.000 đồng của nhân viên xe buýt tuyến số 151 là cao hơn so với quy định, hành vi này là sai. Mỗi tuyến xe buýt có mức giá vé khác nhau, đối với tuyến xe buýt số 151 (Bến xe Miền Tây - Bến xe An Sương) chỉ có mức giá vé là 6.000 đồng/lượt.
Quy định kích thước, cân nặng cho hành lý
Cũng theo ông Hà Lê Ân, hành khách mang hành lý cần tuân thủ kích thước và cân nặng theo đúng Quyết định 20 của UBND TP. Trường hợp hành khách mang hành lý cồng kềnh, vượt quá kích thước hoặc khối lượng theo quy định thì tài xế, nhân viên phục vụ được phép từ chối không vận chuyển.
Chuyên gia cho rằng hiện nay các quy định về giá vé, giá cước hành lý đều rõ ràng và trách nhiệm của trung tâm cần phổ biến rộng rãi để người dân nắm. |
Tuy nhiên, để thu hút hơn hành khách trong thời gian tới, trung tâm sẽ xem xét đề xuất các quy định phù hợp đối với các hành khách mang hành lý có kích thước lớn trên những tuyến xe buýt có lộ trình đi sân bay, bến xe khách.
Ông Ân cho biết giữa trung tâm và doanh nghiệp vận tải sẽ ký kết quy định của hợp đồng về việc cung ứng sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, các đơn vị vận tải đảm nhận các tuyến xe buýt thì không có sự khác nhau về quy chuẩn thu tiền vé hành lý hay thu tiền vé trẻ em của các tuyến, hợp tác xã và các đơn vị vận tải. Trường hợp đơn vị vận tải để xảy ra việc tài xế, nhân viên phục vụ thu tiền sai sẽ bị xử lý vi phạm theo hợp đồng đã ký kết.
Trung tâm đã xây dựng tiêu chí nhận diện xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP thông qua cách thức thể hiện thông tin bên trong, bên ngoài xe, các trang thiết bị được gắn trên xe để người dân dễ nhận biết.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, cho biết hiện nay các quy định về giá vé, giá cước hành lý đều rõ ràng và trách nhiệm của trung tâm cần phổ biến rộng rãi để người dân nắm.
Bên cạnh đi xe buýt các tuyến thông thường, người dân cũng có nhu cầu đi sân bay, bệnh viện và bến xe… Theo đó, việc cho mang theo hành lý hay các yêu cầu cần cụ thể hơn. Đây cũng là các phương án để thu hút hành khách về với xe buýt.
“Trung tâm cũng cần lắng nghe phản ánh từ khách hàng thông qua nhiều kênh thông tin nhằm tiếp tục hoàn thiện, chuyển đổi để thu hút khách hàng sử dụng xe buýt” - ông Tính góp ý.
Đình chỉ nhân viên thu phí hành lý cao hơn quy định Trước đó, ngày 14-8, hành khách tên Trường đã chia sẻ trên nhóm Facebook xe buýt TP.HCM rằng anh đi xe buýt tuyến số 151 từ Bến xe Miền Tây về Bến xe An Sương. Khi lên xe, anh có mang thêm một va ly để gọn tại chỗ ngồi. Tuy nhiên, anh bất ngờ khi nhân viên xe buýt thu thêm 10.000 đồng tiền phí cho chiếc va ly. Như vậy, cả người và va ly là 16.000 đồng. Cạnh đó, nhân viên thu phí nhưng không xé vé cho hành khách. Ngày 15-8, Giám đốc Hợp tác xã số 28 (đơn vị quản lý tuyến xe buýt số 151) đã ra quyết định đình chỉ tạm thời công việc của nhân viên thu 10.000 đồng phí va ly của khách hàng nói trên. Lý do, nhân viên này đã vi phạm nội quy hoạt động xe buýt khi thu tiền vé cao hơn giá quy định. |
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT TPHCM) vừa đề xuất làm bãi xe buýt gần 1.500 m2 trong công viên Gia Định để đón trả khách, giúp giảm ùn tắc cho Tân Sơn Nhất.
Nguồn: [Link nguồn]