Sở Công thương TPHCM nói gì khi xét nghiệm shipper quá tải?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

“Những ngày gần đây, số lượng shipper (người giao hàng) đăng ký hoạt động trở lại tăng dẫn tới nhiều điểm xét nghiệm bị quá tải, do cách thức phân bổ lượng xét nghiệm theo địa bàn. Do đó, Sở đã đề xuất Thành phố để doanh nghiệp tự xét nghiệm shipper và tự chịu trách nhiệm” – đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết.

Chiều 22/9, tại buổi họp báo về tình hình COVID-19 tại TPHCM, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, ngày 21/9, Sở đã phối hợp với Sở Y tế thành phố hướng dẫn cho 34 doanh nghiệp giao hàng công nghệ cách lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời hướng dẫn cách thức cập nhật dữ liệu lên ứng dụng y tế.

“Hôm nay, các doanh nghiệp làm quen với việc sử dụng tài khoản, cập nhật thông tin, khai thác thông tin trên phần mềm” - ông Phương cho hay.

Shipper xét nghiệm mỗi buổi sáng trước khi nhận đơn hàng

Shipper xét nghiệm mỗi buổi sáng trước khi nhận đơn hàng

Cũng theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Sở Công Thương đã nhận 63.000 kit test từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) và sẽ chuyển giao cho doanh nghiệp vào sáng 23/9, để ngày 26/9 các doanh nghiệp sẽ tự tổ chức xét nghiệm cho đội ngũ shipper.

Liên quan đến việc quá tải shipper tại các điểm xét nghiệm, ông Phương cho biết: “Khi số shipper đăng ký hoạt động tăng lên, dẫn tới một số địa điểm xét nghiệm bị quá tải, do cách thức phân bổ lượng xét nghiệm theo địa bàn".

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, các sở, ngành cũng đã tham mưu cho lãnh đạo Thành phố và bản thân các doanh nghiệp shipper cũng có đề xuất và liên hệ một số bệnh viện để xét nghiệm riêng cho doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, Sở đề xuất cho doanh nghiệp tự dùng kit test để xét nghiệm trên tinh thần Thành phố hỗ trợ công cụ xét nghiệm.

Nhiều cửa hàng mở lại, shipper được chạy liên quận nên lực lượng này đăng ký làm việc đông hơn

Nhiều cửa hàng mở lại, shipper được chạy liên quận nên lực lượng này đăng ký làm việc đông hơn

Về khó khăn của doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho rằng, khi thực hiện xét nghiệm vào ngày mai (23/9), Sở mới có thể có đánh giá chính thức.

“Việc để doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm, tự chịu trách nhiệm là xu hướng bắt buộc phải thực hiện khi tới đây chúng ta từng bước mở cửa lại nền kinh tế. Việc này vừa nhanh chóng, vừa thuận lợi, vừa đảm bảo an toàn. Còn việc phụ thuộc vào tổ chức xét nghiệm thông qua đơn vị y tế thực hiện và xác nhận rất khó khăn và không đảm bảo an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch. Bên cạnh đó, phát huy được tính chủ động của doanh nghiệp, phù hợp với các điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp” - ông Phương nhận định.

Sở Công Thương TPHCM lưu ý các doanh nghiệp, trong quá trình triển khai phát sinh khó khăn, vướng mắc thì báo cáo để được hỗ trợ.

Tiêm ngừa COVID-19

Tiêm ngừa COVID-19

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, Thành phố có 90 cơ sở thu dung của 3 tầng điều trị. Tầng 1 có 12 cơ sở cách ly; tầng 2 có 68 bệnh viện thu dung, điều trị dã chiến và bệnh viện hạng 2, hạng 3 và hạng 1 (bệnh viện tách đôi); tầng 3 có 10 cơ sở điều trị.

Theo thống kê, tại tầng 3 có 3.286 giường hồi sức, đảm bảo các thiết bị hiện đại để cấp cứu, cứu chữa bệnh nhân. “Với số giường này có thể đủ sức cấp cứu, cứu chữa kịp thời cho bệnh nhận nặng trên địa bàn. Sau khi bệnh nhân tầng 3 có thể điều trị xuất viện hoặc nhẹ hơn thì sẽ chuyển xuống tầng 2 hoặc tầng 1. Qua kiểm tra, các bệnh viện làm việc rất nhuần nhuyễn, kịp thời để cứu sống các bệnh nhân” - bà Mai nói.

Cũng theo bà Mai, trước đây, phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng thận trọng khi tiêm ngừa. Do đó, trong đợt tiêm thứ 3 và thứ 4, nhóm phụ nữ mang thai chưa được tiêm bởi đây là đối tượng cần phải kiểm soát chặt chẽ theo Bộ Y tế hướng dẫn.

Ngày 21/9, Bộ Y tế có văn bản mới cho phép phụ nữ có thai hơn 13 tuần có thể chích ngừa. Đến nay, Sở Y tế đã phân bổ 100.000 liều vắc-xin ngừa COVID-19 cho các bệnh viện có khoa sản trên địa bàn để tiêm cho nhóm này.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM, trong ngày 21/9, Thành phố có 3.435 bệnh nhân nhập viện và 2.726 bệnh nhân xuất viện, 181 trường hợp tử vong.

Tổng số mũi vắc-xin đã tiêm đến ngày 21/9 là 8.927.763. Trong đó, tổng số mũi 1 là 6.781.748, mũi 2 là 2.146.015, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.041.621.

Từ 18 giờ ngày 20/9 đến 18 giờ ngày 21/9, ngành y tế đã lấy 516.716 mẫu, trong đó có 6.108 mẫu đơn và 8.669 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 446.371 mẫu.

Nguồn: [Link nguồn]

TP.HCM: Doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm cho shipper từ 24/9

Kể từ ngày 24/9 đến ngày 30/9, doanh nghiệp quản lý shipper tại TP.HCM chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Phương ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN