Số ca mắc và tử vong do COVID-19 khi công bố vênh nhau, vì sao?
Về số liệu ca tử vong và ca dương tính với SARS-CoV-2 tại các địa phương vênh với số ca bệnh do Bộ Y tế công bố, lãnh đạo Bộ Y tế đã lý giải về vấn đề này.
Theo báo cáo sáng 15/7 của TPHCM, thành phố hiện tại có 20.411 bệnh nhân đang điều trị. Trong đó, 246 ca đang thở máy với 7 trường hợp cần can thiệp ECMO. Tính đến hết ngày 14/7, TPHCM có 142 bệnh nhân tử vong. Trong ngày 14/7 có 81 ca xác định xuất viện.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế, số ca tử vong do COVID-19 trên cả nước từ khi dịch bệnh này xuất hiện tại Việt Nam đến nay là 136 trường hợp.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, có sự khác biệt này là do hệ thống phần mềm đang sử dụng để thống kê. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, là phần mềm quản lý các ca mắc mới COVID-19 do Cục Y tế dự phòng phụ trách. Tất cả các ca sau xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) các tỉnh cập nhật lên hệ thống đó. Phần mềm này sẽ cấp mã số cho từng ca bệnh.
Vị này cho biết, khi có mã số kèm theo các yếu tố dịch tễ của ca bệnh, lúc này Bộ Y tế mới có đầy đủ dữ liệu để công bố.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, công việc hoàn thiện dữ liệu ca bệnh này phụ thuộc rất nhiều vào CDC các tỉnh, thành phố. Hiện, một số địa phương bùng nổ dịch, mỗi ngày có vài trăm ca bệnh, các nhân viên thu thập thông tin dịch tễ và cập nhật dữ liệu bị quá tải, không cập nhật được đầy đủ.
Khi có kết quả xét nghiệm các ca dương tính, lãnh đạo tỉnh, thành phố có thể biết ngay tổng số ca mắc mới ở địa phương mình, nhưng khi CDC đẩy thông tin lên hệ thống của Bộ Y tế thì phải có điều tra dịch tễ. Đây là lý do khiến việc công bố các ca bệnh bị chênh lệch về thời gian.
Hệ thống thứ hai là theo dõi tình hình điều trị bệnh nhân của Cục Quản lý Khám chữa bệnh.
Hệ thống này hiển thị các cơ sở điều trị, tình trạng nặng, nhẹ của bệnh nhân, các ca hồi phục, ca tử vong...
Khi có ca tử vong, quy trình công bố sẽ giống như công bố các ca dương tính, nhưng chi tiết hơn như xác định nguyên nhân tử vong. Mỗi ca tử vong, hội đồng chuyên môn của bệnh viện cần họp để xác định nguyên nhân.
"Lúc bệnh nhân tử vong, lãnh đạo cơ sở điều trị sẽ biết ngay để báo cáo lên cấp trên như Sở Y tế và Ủy ban nhân dân, nhưng để đẩy thông tin lên hệ thống của Bộ Y tế thì lại mất thời gian", lãnh đạo Bộ Y tế giải thích.
Cục Y tế Dự phòng và Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã yêu cầu các CDC và các cơ sở điều trị đẩy nhanh tốc độ báo cáo và cập nhật số liệu nhanh chóng, đầy đủ, chính xác trên hai hệ thống quản lý này của Bộ Y tế.
"Lúc bệnh nhân tử vong, lãnh đạo cơ sở điều trị sẽ biết ngay để báo cáo lên cấp trên như Sở Y tế và Ủy ban nhân dân, nhưng để đẩy thông tin lên hệ thống của Bộ Y tế thì lại mất thời gian", lãnh đạo Bộ Y tế giải thích. |
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Y tế vừa thông tin về 823 ca mắc COVID-19 trong nước, nâng tổng số ca mắc trong ngày lên 2.924 ca.