Síp: Đóng cửa NH, đóng băng tiền gửi

Chính quyền đảo Síp vừa chấp nhận đóng cửa ngân hàng lớn thứ hai của nước này và đóng băng những khoản tiền gửi giá trị lớn, gồm cả của các ông trùm người Nga, để đổi lấy khoản vay cứu trợ trị giá 10 tỷ USD.

Thỏa thuận đạt được chỉ vài giờ trước hạn chót để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng sau những cuộc thương lượng giữa Tổng thống Nicos Anastasiades và các lãnh đạo của Liên minh châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế.

 Nhanh chóng được các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro chấp nhận, bản kế hoạch được cho là sẽ cứu quốc đảo Địa Trung Hải khỏi nguy cơ khủng hoảng tài chính bằng cách đóng cửa ngân hàng Popular Bank of Cyprus, thường được gọi là Laiki, và chuyển các khoản tiền gửi có giá trị dưới 100.000 euros sang Ngân hàng đảo Síp để tạo thành “ngân hàng tốt”.

Những khoản tiền gửi có giá trị trên 100.000 euro ở cả 2 ngân hàng – không được pháp luật của EU bảo lãnh - sẽ bị đóng băng và sử dụng để giải quyết các khoản nợ của Laiki và tái cơ cấu vốn Ngân hàng đảo Síp thông qua hoạt động chuyển đổi tiền gửi/vốn chủ sở hữu.

Ước tính những khoản tiền gửi không được bảo hiểm bị đóng băng lần này lên tới 4,2 tỷ euro.

Síp: Đóng cửa NH, đóng băng tiền gửi - 1

Tổng thống đảo Síp Nicos Anastasiades sau phiên thương lượng với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Hervan Van Rompuy và các quan chức châu Âu khác hôm 25/3. (Nguồn: Reuters)

Laiki sẽ bị đóng cửa, nghĩa là hàng ngàn người sẽ bị mất việc. Các quan chức nói rằng những người nắm giữ nhiều cổ phiếu trong Laiki sẽ bị xóa bỏ, và những cổ đông của Ngân hàng Đảo Síp cũng sẽ phải đóng góp.

Một phát ngôn viên của EU nói rằng sẽ không đánh thuế vào tất cả các khoản gửi trong các ngân hàng ở đảo Síp, nhưng tác động của việc đóng băng tài khoản của những chủ tiền gửi lớn có thể gây ra tác động lớn hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu. Trước đó, nỗ lực đánh thuế tất cả các khoản tiền gửi thất bại vì bị nghị viện Síp bác bỏ.

Bộ trưởng tài chính Pháp Wolfgang Schaeuble nói rằng các nhà làm luật sẽ không cần bỏ phiếu đối với kế hoạch mới, vì họ đã có luật quy định giải tán ngân hàng.

“Điều này khá cay đắng đối với Síp nhưng giờ đây chúng ta được chính quyền Đức luôn luôn ủng hộ”, ông Schaeuble nói.

Một quan chức cấp cao nói rằng Tổng thống Anastasiades dọa sẽ từ chức hôm 24/3 nếu bị ép quá mức. Ông Anastasiades đã rời trụ sở của EU mà không đưa ra bình luận nào.

Nhà lãnh đạo theo đường lối bảo thủ Anastasiades - mới lãnh đạo đất nước được 1 tháng nhưng đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của Síp từ năm 1974 đến nay – bị ép phải nhường bước khi nỗ lực bảo vệ những chủ tiền gửi lớn.

Các nhà ngoại giao nói rằng Tổng thống rất quyết liệt bảo vệ mô hình kinh tế của đất nước như một trung tâm tài chính riêng biệt, thu hút những khoản tiền gửi lớn từ nhiều người Nga và người Anh giàu có, nhưng cuối cùng cũng phải nhượng bộ.

EU và IMF yêu cầu Síp huy động 5,8 tỷ euro từ hệ thống ngân hàng để tự cứu trợ tài chính nhằm đổi lấy khoản vay 10 tỷ euro từ nguồn quốc tế. Giám đốc quỹ cứu trợ của EU nói rằng Síp sẽ nhận được khoản vay cứu trợ đầu tên vào tháng 5.

Tại thủ đô Nicosia của Síp, tâm trạng lo lắng đang bao trùm người dân. “Từ hồi Síp bị xâm lược năm tôi 13 tuổi đến giờ tôi mới lại cảm thấy bất ổn đến thế. Tôi có 2 đứa con đang học ở nước ngoài và tôi bảo chúng đừng quay về Síp”, bà Dora Giorgali, 53 tuổi, nói. Bà Dora là giáo viên đào tạo y tá nhưng đã mất việc cách đây 2 năm vì trường học bị đóng cửa.

Khoảng 200 nhân viên ngân hàng đã tụ tập biểu tình ngoài dinh tổng thống hôm qua để phản đối, mang theo nhiều khẩu hiệu như: “Síp sẽ không trở thành nước bảo hộ”, hay “3 chủ nợ hãy biến khỏi Síp”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN