Sinh viên hoạt động mại dâm 4 lần bị đuổi học: “Sinh viên bán dâm rất hiếm”

Sự kiện: Tin nóng

Các luật sư cho rằng, hiện tượng bán dâm không phải hiện tượng phổ biến nên việc đề cập nội dung này trong việc kỷ luật sinh viên không phù hợp.

Sinh viên hoạt động mại dâm 4 lần bị đuổi học: “Sinh viên bán dâm rất hiếm” - 1

Các luật sư cho rằng việc đưa nội dung kỷ luật sinh viên hoạt động mại dâm vào quy chế chưa phù hợp vì số lượng sinh viên vi phạm rất hiếm.

Sinh viên bán dâm rất hiếm

Vừa qua Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) đã công bố Dự thảo Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy để lấy ý kiến. Trong dự thảo có nội dung buộc thôi học với sinh viên 4  lần hoạt động mại dâm.

Dự thảo thông tư trên sau đó được Bộ GDĐT rút khỏi Cổng thông tin của Bộ với lý do chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất.

Thực tế, nội dung xử phạt sinh viên hoạt động mại dâm (bao gồm cả mua, bán dâm) đã được đề cập trong Quyết định ban hành quy chế học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy (Quyết định 42/2007/QĐ) và Thông tư Ban hành quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy (Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT) ban hành năm 2016 – thay thế cho Quyết định 42/2007/QĐ.

Theo quyết định 42/2007, học sinh, sinh viên hoạt động mại dâm vi phạm lần đầu sẽ bị đình chỉ học tập 1 năm học, vi phạm lần 2 sẽ bị buộc thôi học.

Trong khi theo Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT, sinh viên đại học hệ chính quy hoạt động mai dâm lần 1 sẽ bị khiển trách, lần 2 sẽ bị cảnh cáo, lần 3 sẽ bị đình chỉ có thời hạn, và lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học.

Lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, theo kế hoạch Bộ cũng sẽ rà soát, nghiên cứu sửa đổi một số nội dung quy định tại Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT cho phù hợp với thực tiễn. Trong đó có hành vi vi phạm về hoạt động mại dâm không còn phù hợp cần phải điều chỉnh.

Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Hà Nội) và luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý, Đoàn Luật sư Hà Nội) cùng cho rằng, việc đề cập xử lý sinh viên hoạt động mại dâm trong Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT là chưa phù hợp với thực tiễn bởi việc sinh viên hoạt động mại dâm rất hiếm, không phổ biến.

“Thông thường khi xã hội nảy sinh vấn đề pháp lý mới, trở thành hiện tượng phổ biến gây ảnh hưởng lớn tới trật tự, an toàn xã hội thì các cơ quan quản lý sẽ đưa ra các chính sách, biện pháp mới để điều chỉnh, phòng ngừa, xử lý vi phạm.

Vậy câu hỏi đặt ra, hiện tượng sinh viên mua dâm, bán dâm có phổ biến tới mức cơ quan quản lý giáo dục đưa vào quy chế để xử lý ngăn chặn, xử lý vi phạm?

Tôi cho rằng, việc sinh viên mua bán dâm không phổ biến, có thể nói là rất ít. Vậy nên, việc đề cập hành vi mại dâm trong nội dung kỷ luật sinh viên chưa hợp lý, dễ gây hiểu nhầm đây là hiện tượng phổ biến”, luật sư Tuấn Anh nói.

Trao đổi thêm với PV, một lãnh đạo công an cấp đội phụ trách hình sự ở Hà Nội cho biết, chưa từng phát hiện trường hợp sinh viên hoạt động mại dâm tới lần thứ 4 và các trường hợp sinh viên hoạt động bán dâm cũng rất hiếm.

“Các đối tượng hoạt động mại dâm tự gắn “mác” sinh viên, còn sinh viên đi bán dâm rất hiếm”, cán bộ công an nói.

Quy định rõ mức độ vi phạm tương ứng với hình thức kỷ luật

Luật sư Tuấn Anh và luật sư Lê Văn Kiên cũng cho rằng, nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật sinh viên trong Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT có điểm chưa phù hợp.

“Theo điều 9, Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT, sinh viên sẽ bị đình chỉ học tập có thời hạn nếu vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Tức là sinh viên phạm pháp bị hình sự có thể chỉ bị đình chỉ một thời gian, sau đó vẫn được tiếp tục theo học.

Tuy nhiên, trường sinh viên hoạt động mại dâm tới lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học dù hành vi này dừng lại ở vi phạm hành chính”, luật sư Tuấn Anh nói.

Các luật sư kiến nghị, cần có những quy định cụ thể hơn về mức độ sinh viên vi phạm và hình thức xử lý kỷ luật tương ứng để tạo thuận lợi cho cơ quan giáo dục áp dụng xử lý.

Ví dụ, trường hợp sinh viên bị cơ quan chức năng phạt hành chính bất kể là bán dâm, hay trộm cắp tài sản sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật là cảnh cáo; trường hợp sinh viên bị xử lý hình sự sẽ bị tạm đình chỉ có thời hạn; sinh viên phạm vào các tội nghiêm trọng (3-7 năm tù), rất nghiêm trọng (7-15 năm) trong Bộ luật Hình sự thì bị buộc thôi học.

“Theo Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT, hành vi lấy cắp tài sản, chứa chấp, tiêu thụ tài sản do lấy cắp không đề cập hình thức kỷ luật cụ thể nhưng có kèm ghi chú: Tùy theo mức độ xử lý từ cảnh cáo đến buộc thôi học. Nếu nghiêm trọng, giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhà trường không có chức năng điều tra, kết luận sinh viên có hay không hành vi trộm cắp tài sản nên khó có thể đưa ra đánh giá chính xác về mức độ vi phạm. Nhà trường cần căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan công an để đưa ra hình thức kỷ luật với sinh viên của mình.

Tôi cho rằng, cần quy định rõ hơn về mức độ vi phạm làm căn cứ kỷ luật sinh viên. Ví dụ như ăn trộm mà bị cơ quan chức năng nhắc nhở thì nhà trường cảnh cáo. Nếu trộm cắp bị xử lý hình sự thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (dưới 3 năm tù) thì bị đình chỉ học nhưng thuộc trường hợp nghiêm trọng (3-7 năm tù) sẽ bị buộc thôi học”, luật sư Lê Văn Kiên nêu ý kiến.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về quy định đuổi học học sinh - sinh viên bán dâm 4 lần

Trả lời câu hỏi về quy định đuổi học học sinh, sinh viên nếu bán dâm 4 lần, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN