Sinh con từ tinh trùng của chồng quá cố: Các nước xử trí ra sao?
Sự kiện cặp song sinh chào đời từ tinh trùng người bố đã mất tại Hà Nội khiến nhiều người ngạc nhiên. Tuy nhiên, trên thế giới những đứa trẻ được sinh ra như vậy đã có từ lâu và cũng có nhiều vấn đề rắc rối liên quan đến pháp lý như: quyền trẻ em, quyền thừa kế....
Theo ghi nhận của giới truyền thông thì người đầu tiên đi tiên phong trong việc sinh con từ tinh trùng của người chồng quá cố là Diane Blood, một phụ nữ quốc tịch Anh. Năm 1999, cô này sinh con từ tinh trùng của người chồng đã mất được 4 năm sau ca cấy ghép thành công tại Los Angeles (Mỹ).
Tuy nhiên, trường hợp này lúc đó đã bị luật pháp Anh coi là bất hợp pháp. Theo Dự Luật Thụ tinh và Nhân phôi ở Anh thì muốn sinh con như vậy phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng trước khi chết về việc sử dụng tinh trùng.
Vào thời điểm đó, cô Diane Blood đã phải đi tìm sự công bằng ở một đất nước khác là Mỹ. Ở đây, cô đã trở thành người chiến thắng trong một cuộc đua pháp lý khi đưa ra một đoạn video chứng minh người chồng của mình từng bày tỏ mong muốn có con.
Câu truyện lập tức sau đó đã trở thành vấn đề pháp lý đáng quan tâm của nước Anh và Mỹ. Đến năm 2000, chính phủ Anh thông báo sẽ thay đổi quy định luật pháp có liên quan để cho phép ghi tên người cha đã mất lên giấy khai sinh của đứa trẻ.
Sinh con từ tinh trùng người cha quá cố là vấn đề gây tranh cãi trong suốt mấy thập kỷ qua
Trong khi đó ở Mỹ thì có chút phức tạp hơn. Năm 2001, Tòa án tối cao bang Massachusetts xét quyền được hưởng lợi ích an sinh xã hội của Mỹ của vụ một đứa trẻ được sinh ra từ thụ tinh nhân tạo từ người cha đã chết. Vào tháng 1/2002, đứa trẻ này được Tòa tuyên là người thừa kế hợp pháp của cha mẹ trong trường hợp có quan hệ di truyền và người cha quá cố đã đồng ý sinh con.
Tuy nhiên, năm 2012, Tòa án Tối cao Mỹ lại bác quyền hưởng lợi ích an sinh xã hội của một cặp song sinh được ra đời từ tinh trùng đông lạnh của người cha đã chết trước đó 18 tháng.
Vấn đề sinh con từ vật liệu di truyền của người quá cố tiếp tục nóng khi ở Israel có một cặp vợ chồng già tên là Mali và Dudi Ben-Yaakov mong muốn có được đứa cháu nội từ tinh trùng của một con trai 27 tuổi chưa vợ đột ngột mất do tai nạn giao thông. Họ đã đệ đơn xin được dùng tinh trùng của con trai để tạo ra đứa cháu nội nhưng đã bị tòa án Israel từ chối.
Được biết, từ năm 2003, pháp luật Israel đã quy định cho phép một người có thể phối ngẫu hoặc sử dụng tinh trùng của một người đàn ông đã chết nhưng chỉ với điều kiện người đã khuất đồng ý trước đó.
Chỉ điểm qua vài trường hợp sinh con từ tinh trùng người đã chết đã cho thấy tính phức tạp trong quy định về mặt pháp lý. Nhìn chung các nước đều coi đây là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt trong pháp luật vì nó có thể ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền trẻ em và quyền thừa kế.
Điều đáng nói hơn cả là tính hai mặt trong vấn đề đạo đức. Một mặt việc sinh ra đứa trẻ từ tinh trùng người cha đã mất là niềm khao khát của biết bao người. Chẳng hạn như Jocelyn Edwards, được pháp luật Australia cho phép, đã sinh con vào năm 2011 từ tinh trùng của người chồng quá cố tên Marks và cô cảm thấy rất hạnh phúc. "Mark sẽ rất hạnh phúc. Chúng tôi sẽ có con của chúng tôi”, Edwards tâm sự khi ra khỏi phòng Tòa án.
Còn mặt khác việc sinh con từ tinh trùng người quá cố có thể ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ. “Thử hình dung đứa bé sẽ nghĩ rằng: Cha tôi đã chết và ông ấy không bao giờ biết về sự tồn tại của tôi. Đây là một tình huống mang tính đạo đức nan giải”, Theresa Erickson, một luật sư ở bang California nói.