Siêu mẫu nhí: Càng khêu gợi, càng hốt bạc
Một xu hướng toàn cầu xuất hiện nổi cộm gần đây: hình ảnh ngây thơ của những cô gái tuổi “lúa non” đang được thương mại hóa theo một cách báo động (mà giới xã hội học gọi là “sexualized marketing”- tiếp thị nhục cảm hóa).
Nhà tâm lý Peter Kanaris cho rằng yếu tố khai thác tình dục ở lứa tuổi teen hoặc thậm chí mầm non ngày càng được làm đậm thái quá. “Sex sells” (cái gì liên quan tình dục đều hốt bạc) là “khẩu ngữ” thời thượng đối với giới kinh doanh công nghiệp giải trí và quảng cáo.
Cuộc săn lùng “lúa non”
Có ít nhất ba nguyên nhân khiến xu hướng “sex sells” phát triển. Thứ nhất, đó là sự hám danh lẫn lợi của nhiều bậc phụ huynh. Thứ hai là sự bùng nổ của công nghiệp giải trí truyền hình. Để đa dạng hóa “thực đơn”, các hãng truyền hình thi nhau sáng tác những cuộc thi “truyền hình thực tế” mà “tôn chỉ” phục vụ thượng đế khán giả chỉ là thứ yếu, trong khi cái chính là móc ngoặc với nhà tài trợ để hốt bạc quảng cáo. Và cuối cùng là thị trường. Cái gì thị trường cần thì người ta cung cấp! |
Viết trên tờ Irish Examiner (20/9/2012), cây bút Noelle McCarthy cho biết bộ sưu tập bikini mới nhất của nhà thiết kế tên tuổi Liz Hurley dành cho trẻ từ 8-13 tuổi đã bị chỉ trích dữ dội, tương tự sự kiện cộng đồng mạng “ném đá” túi bụi khi ca sĩ Jessica Simpson đưa lên mạng ảnh cô con gái 4 tuổi của mình trong bộ đồ hai mảnh màu vàng.
Trung tuần tháng 1/2012, dư luận lại chú ý khi cô con gái Kaia 10 tuổi của cựu siêu mẫu Cindy Crawford xuất hiện trong sô diễn thời trang Young Versace. Tương tự, Betty Lowe - con gái của nhà thiết kế Pearl - cũng đã làm người mẫu cho các bộ sưu tập của mẹ mình từ khi lên 5 tuổi.
Rồi là chuyện chuyên san thời trang Vogue (ấn bản tiếng Pháp tháng 1/2012) chơi nổi khi đăng 15 trang ảnh “siêu mẫu nhí” Thylane Blondeau 10 tuổi với khuôn mặt được make-up cực đậm, mang giày cao gót và vận váy hở rốn! Dù mới tí tuổi đầu nhưng Thylane Blondeau nay đã thật sự là một “siêu mẫu chuyên nghiệp”. Năm mới 4 tuổi, em đã nhún nhảy trên sàn catwalk cho bộ sưu tập thời trang trẻ em của nhà thiết kế Jean Paul Gaultier...
Thylane Blondeau bước chân vào làng người mẫu khi mới 5 tuổi và chỉ lên 10 tuổi khi xuất hiện trong những tấm ảnh gây tai tiếng này trên tờ Vogue - Ảnh: Daily Mail
Đây chẳng phải lần đầu tiên công nghiệp thời trang sử dụng hình ảnh người mẫu tuổi teen và “dưới teen”. Carmen Dell’Orefice được “phát hiện” vào năm 13 tuổi (1947) và năm 15 tuổi đã được lên trang bìa tờ Vogue. Brooke Shields lên 14 tuổi vào năm 1980 khi cô trở thành gương mặt của nhãn hàng Calvin Klein. Kate Moss, Patti Hansen, Niki Taylor, Kimora Lee Simmons, Bridget Hall, Gisele Bündchen, Karolina Kurkova, Linda Evangelista hoặc Christy Turlington... đều bước vào công nghiệp trình diễn thời trang chuyên nghiệp khi mới lên 13, 14 hoặc 15 tuổi.
Gần đây nhất có Tanya Dziahileva, Chanel Iman, Karlie Kloss, Lindsey Wixson, Monika Jagaciak, Daphne Groeneveld hoặc Hailey Clauson... Valerija Sestic chẳng hạn. Hiện chưa đầy 16 tuổi, cô gái Thụy Sĩ gốc Croatia này đã lắc mông và ưỡn ngực trên sàn catwalk cho 16 trong số những nhà thiết kế lớn nhất tham dự Tuần thời trang New York, từ Prabal Gurung, DKNY đến Marc Jacobs. Sự hiện diện của những Valerija Sestic đều là kết quả từ các cuộc săn lùng khốc liệt của giới “tìm kiếm tài năng” trong làng người mẫu chuyên nghiệp.
Dư luận lên tiếng
Dù hiện tượng người mẫu nhí không xa lạ với lịch sử công nghiệp thời trang nhưng xu hướng khai thác ‘tận thu” nguồn vốn “nhân tài nhí”, đặc biệt từ những chương trình đặc sệt chất thương mại, đã khiến người ta trở nên cảnh giác hơn.
Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Hoa Kỳ (CFDA) tiếp tục đề nghị giới công nghiệp thời trang không nên sử dụng người mẫu catwalk dưới 16 tuổi. Debra Bourne thuộc Tổ chức All Walks on the Catwalk (nơi thực hiện các chiến dịch mang tính đạo đức trong công nghiệp thời trang) nói sự cạnh tranh gay gắt khiến giới săn lùng người mẫu ngày càng có khuynh hướng nhắm vào đối tượng cực trẻ, với nỗi sợ rằng nếu mình chậm tay thì sẽ bị đối thủ cuỗm mất (The Observer, 21/1/2012).
Tuy nhiên, xã hội nói chung thật ra không có cái nhìn thiện cảm với trào lưu này. Khi xảy ra vụ bé Thylane Blondeau 10 tuổi “bị ép làm người lớn” trong “phóng sự ảnh” của Vogue, làn sóng phản đối đã bùng nổ dữ dội. Tại Anh, Fleur Dorrell thuộc Liên đoàn Các bà mẹ đã miêu tả bộ ảnh Thylane Blondeau là “gây nhiễu mỹ cảm, làm méo mó hình thể” và “làm mờ đi tất cả quan điểm về cái đẹp”. Nữ dân biểu Anh Helen Goodman cũng nói rằng ban biên tập Vogue đã gây ra một vụ “đáng nhục nhã và hoàn toàn vô trách nhiệm” (Daily Mail, 10/8/2011)...
Phản ánh dư luận do vậy cũng mang lại một số tác động tích cực. Tháng 8/2012, Vogue tuyên bố sẽ không sử dụng người mẫu dưới 16 tuổi trên những trang báo ảnh của họ. Tháng 11/2011, nước hoa “Oh Lola!” của nhà thiết kế Marc Jacobs cũng bị Cơ quan Tiêu chuẩn quảng cáo Hoa Kỳ cấm bán khi sử dụng hình ảnh diễn viên Dakota Fanning 17 tuổi trong “tư thế khêu gợi”.
Ngay cả giới người mẫu cũng không ủng hộ việc “trẻ hóa” sàn diễn catwalk một cách vô tội vạ. Trong buổi phỏng vấn truyền hình tại Mỹ gần đây, người mẫu Canada Coco Rocha, 23 tuổi, nói “15 tuổi là quá trẻ để có thể trở thành người mẫu”. Từng được phát hiện năm 14 tuổi, bắt đầu làm người mẫu năm 15 tuổi, đến New York năm 16 tuổi (tham gia các chương trình của Gap, Dior, Yves Saint Laurent...), Rocha hiểu quá rõ mặt trái của cái thế giới phù phiếm catwalk.
“Tuổi thơ bị đánh mất, học hành bị tước đoạt, tình cảm gia đình bị thiếu thốn rồi được đưa vào một thế giới người lớn mà bản thân mình chẳng biết làm gì hơn là cứ tự hỏi: “Tôi sẽ làm như thế nào để được hài lòng?” - Rocha nói về bi kịch của mình.
Một người mẫu Canada khác, Monika Schnarre, từng trở thành người mẫu chuyên nghiệp năm 14 tuổi hồi thập niên 1980, thuật lại rằng mình vẫn không thể quên cảm giác ghê rợn khi có lần một nhiếp ảnh gia “dạy nghề”: “Nghe này, anh biết em còn trong trắng nhưng em phải tập giả vờ khêu gợi đi chứ!”.
Thế là qua năm tháng, Monika không còn nhận biết từ lúc nào mình đã đánh mất những ý nghĩ ngây thơ trong đầu, để tuột mất hình ảnh trong trắng trinh nguyên và biến thành một cô gái sành sỏi dày dạn kỹ năng “khêu gợi giả vờ”...
Từ chuyện thế giới người mẫu nhí, có thể mở rộng thêm vấn đề để thấy rõ hơn những tác động xã hội mà các format giải trí truyền hình (phần lớn là nhí nhố) mang lại. Có thể nói chưa bao giờ bằng lúc này truyền thông đã biến lứa tuổi teen trở nên già dặn hơn, quen mắt và quen tai hơn với những hình ảnh hoặc câu chuyện mà trước kia chỉ người lớn mới được tiếp cận. Trong khi đó vai trò giáo dục của gia đình có phần bị buông lỏng. Đó là chưa kể nhiều trường hợp phụ huynh chẳng hề quan tâm chút nào sự ảnh hưởng lâu dài đến quá trình phát triển tâm sinh lý của con khi cho chúng tiếp cận quá sớm công nghiệp giải trí, không mảy may nghĩ đến việc tuổi thơ của con trẻ đã bị chính bàn tay mình làm méo mó, không chút thận trọng khi không xét đến sự lệch lạc có thể xảy ra đối với tư duy đứa bé... |