Siêu bão Sơn Tinh tàn phá miền Bắc

Sự kiện: Tin bão

Siêu bão Sơn Tinh đã gây mưa to và gió mạnh cho nhiều địa phương ở Bắc và Trung Bộ.

Nam Định: Gió quật đổ tháp truyền hình, tốc mái nhà

Tối 28/10, tháp truyền hình cao 180m của tỉnh Nam Định bị gió bão số 8 (bão Sơn Tinh) giật đổ sập ra đường. Đây là tháp truyền hình cao và hiện đại nhất miền Bắc, hoàn thành năm 2011, mới được đưa vào sử dụng. Rất may do khu vực đặt tháp truyền hình không có nhiều dân cư sinh sống nên sự cố không gây thiệt hại về người.

Đến 0g ngày 29/10, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Nam Định đã bị chia cắt do cây, cột điện đổ ngang đường. Một số tuyến phố nước ngập gần 1m khiến ô tô không thể đi lại, nước tại các hồ chữa tràn lên mặt đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông vào thời điểm này.

Tính đến 0g ngày 29/10, thiệt hại sơ bộ của Nam Định được ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - cho biết đã mất trắng toàn bộ 6.000 ha lúa, hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản tại vùng bãi bồi ngoài biển. Tuy nhiên rất may mắn là thời điểm này vẫn chưa xảy ra thiệt hại về người. Ông Tuấn cho biết toàn bộ các lực lượng của tỉnh được huy động phòng chống bão đều đang ứng trực để đối phó với tình huống xấu nhất khi bão đổ bộ.

Siêu bão Sơn Tinh tàn phá miền Bắc - 1

Tối 28/10, tháp truyền hình cao 180m của tỉnh Nam Định bị gió bão giật đổ sập ra đường. Đây là tháp truyền hình cao và hiện đại nhất miền Bắc, hoàn thành năm 2011, mới được đưa vào sử dụng (Ảnh: Việt Dũng/Tuổi trẻ)

Tại Nam Định, từ 19g đêm 28/10, bão số 8 đã gây mưa lớn và gió cấp 11, giật tới cấp 12. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trong số ba huyện ven biển của tỉnh Nam Định (Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng), huyện Nghĩa Hưng được xem là nơi ảnh hưởng và chịu những thiệt hại đầu tiên từ bão số 8.

Cho đến 19g30, tại xã Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng), mưa và gió bão giật tới cấp 12 đã khiến hàng loạt cây xanh trên các trục đường lớn trên địa bàn toàn xã gãy đổ, nhiều gia đình có nhà mái ngói, nhà mái cỏ đã bị gió thổi tốc mái. Tại xóm 3, nơi chỉ cách đê biển khoảng 200m, gió bão đã khiến cả ba gian nhà mái ngói của gia đình ông Nguyễn Văn Đạt (xóm 3, xã Nam Điền) chỉ còn trơ lại bốn bức tường.

Ngay cạnh đó là bốn gian nhà mái cói của gia đình ông Trần Văn Đoàn cũng bị gió thổi bay mái. “Gió giật mạnh như thế này thì nhà ngói nào chịu nổi. Gió thổi bay cả mái ngói khiến cả dãy nhà chỉ còn trơ lại hơn 1 tấn thóc nằm trong cót, gia đình phải dùng áo mưa che phủ. Gió mỗi lúc một mạnh, không chỉ gia đình tôi, nhiều gia đình khác cũng có nhà ngói bị tốc mái” - ông Đạt nói.

Siêu bão Sơn Tinh tàn phá miền Bắc - 2

Cây xanh ngã đổ tại Nam Định (Ảnh: Việt Dũng/Tuổi trẻ)

Ghi nhận tại xã Nam Điền, một địa điểm có đặc thù giáp biển và có tới năm xóm trong xã đối mặt trực diện với đê biển, ngay tại thời điểm mưa lớn và gió giật tới cấp 12, tính đến gần 20g tối 28/10, chỉ sau gần hai giờ chịu ảnh hưởng mưa và gió giật mạnh, đã có hàng loạt tuyến dây diện trên các ngõ xóm bị đứt.

Ông Hoàng Thành Triệu, chủ tịch UBND xã Nam Điền, cho biết do đặc thù là xã còn tỉ lệ nhà mái rạ nhiều với 53 nhà, mái cói có 105 nhà, mái ngói có 1.031 nhà nên ngoài việc thực hiện di dời các hộ dân sinh sống ngoài đê vào khu vực an toàn, xã cũng đã chủ động di dời gần 2.000 người từ trước thời điểm bão vào.

Đến 20g, tại Nam Định đang mưa to gió lớn, giật tới cấp 12 nhưng do đêm tối, nhiều nơi bị mất điện nên chưa có thống kê về thiệt hại. Mưa gió và cây đổ cũng ngăn cản các lực lượng chống bão đi kiểm tra các khu vực xung yếu. Gần như toàn bộ tỉnh Nam Định đã bị mất điện, văn phòng Ban chỉ huy PCLB đặt tại thành phố Nam Định phải sử dụng máy phát điện.

Hải Phòng: Nhiều lồng bè bị trôi ra vịnh

21g30 đêm 28/10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn chưa tiếp cận được các bè đang bị trôi dạt còn lại. Dù đã cứu được 6 người nhưng hiện tại vẫn còn ít nhất 10 người trên các lồng bè bị trôi dạt ở khu vực vịnh Cát Bà (Cát Hải).

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải, cho biết vào khoảng 19g ngày 28/10, có bốn lồng bè cùng 11 người dân đang neo đậu bị gió lớn cuốn trôi dạt ra khu vực vịnh Cát Bà. Hiện các lồng bè và người dân bị trôi dạt này đang trong tình trạng nguy hiểm vì lực lượng tìm kiếm cứu nạn chưa thể tiếp cận được.

“Huyện đang tìm mọi biện pháp để tiếp cận, di chuyển các lồng bè về nơi an toàn nhưng do gió mạnh kèm theo mưa lớn khiến công tác cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Trước mắt lực lượng tìm kiếm sẽ tiếp cận các lồng bè, đưa người vào bờ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Nếu tình trạng nguy cấp sẽ đề nghị thành phố và các cơ quan chức năng đưa phương tiện lớn ra đảo để đưa các lồng bè vào bờ”, ông Minh nói.

Thanh Hóa, Ninh Bình: Mưa lớn, nhiều khu vực cúp điện

Chiều tối 28/10, bão số 8 đã áp sát ven bờ các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc (Thanh Hóa), Kim Sơn (Ninh Bình) gây gió lớn và mưa to tại một số điểm. Đến tối, gió lốc đã làm bật mái một số ngôi nhà, dập đổ nhiều cây cối và hoa màu của người dân.

Siêu bão Sơn Tinh tàn phá miền Bắc - 3

Lúc 12h, gió bão ở khu vực Hoằng Trường (Thanh Hóa) giật cấp 8, cấp 9, biển động dữ dội (Ảnh: Đồng Thành/Khampha.vn)

Tại huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), khoảng 18g gió bắt đầu thổi mạnh khiến cây cối đổ rạp, nhiều nhà dân bị tốc mái. Ngay đối diện đoàn 500, Quân khu 3, một nhà dân bị tốc mái tôn, một số mảnh tôn bay từ tung ra đường nên lực lượng của quân đội đã phải hỗ trợ thu dọn mảnh tôn và cố định mái nhà. Trên các tuyến đê xung yếu, các lực lượng đều ứng trực đầy đủ.

Đích thân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đi kiểm tra, thị sát công tác chuẩn bị phòng chống bão của địa phương. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cao Đức Phát nhận định qua kiểm tra tại Thanh Hóa, Ninh Bình cho thấy công tác chuẩn bị của các địa phương khá chu đáo.

Ông Phát cho biết tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, các địa phương đã thực hiện đầy đủ phương án phòng chống bão theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cho đến nay, công tác chuẩn bị đón bão đã cơ bản được triển khai nhưng đây là cơn bão có hướng đi phức tạp nên các địa phương vẫn phải cảnh giác, cập nhật thông tin về đường đi của báo để có phương án đối phó với tình huống bão đổ bộ, sao cho giảm thấp nhất mức thiệt hại.

Nghệ An: 1 ngư dân mất tích

15g ngày 28/10, chúng tôi có mặt tại xã ven biển Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) giáp ranh tỉnh Thanh Hóa -nơi dự báo cơn bão số 8 sẽ áp sát. Tại đây mưa khoảng 150mm, gió cấp 6 đến cấp 7. Giữa hàng trăm tàu thuyền trú bão vẫn có ngư dân ra kiểm tra lại hệ thống dây chằng néo tàu thuyền để sẵn sàng đối phó với bão. Trước đó, một trong tám thuyền viên trên tàu NA-90071 TS của ông Võ Văn Hướng đã mất tích trên biển.

Siêu bão Sơn Tinh tàn phá miền Bắc - 4

Hàng trăm tàu của ngư dân Quỳnh Lập được chằng néo cẩn thận - Ảnh: Vũ Toàn

Ông Lê Đức Cường, chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, cho biết: "Trong đêm 26/10, trên đường vào bờ trú bão, khi đang ở cách bờ 20 hải lý, ông Hướng đi kiểm tra tàu, phát hiện thuyền viên Hoàng Văn Đông (46 tuổi, trú tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) đã bị rơi xuống biển. Ngay lúc đó ông Hướng đã liên lạc nhờ hàng chục tàu khác tìm kiếm nhưng không thấy".

Quảng Bình: Đê chắn sóng bị đánh sập

Chiều 28/10, ông Phạm Văn Năm, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Bình, cho biết vào 8g sáng cùng ngày, do bão số 8 ảnh hưởng gây từng đợt sóng rất cao và mạnh ập vào bờ đã đánh sập hoàn toàn 330m đường đê chắn sóng nối đảo Hòn Cỏ với cảng Hòn La, thuộc Khu kinh tế Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).

Lực đập quá mạnh của sóng biển từ phía Đông dồn vào đã xé nát cả đoạn đê mà trước đó được xây dựng bằng đá, đắp thẳng dài 330m, rộng 9m và được chắn bằng những khối bê tông tản sóng nặng 25 và 16 tấn.

Siêu bão Sơn Tinh tàn phá miền Bắc - 5

Đê biển nối cảng Hòn La với đảo Hòn Cỏ đã bị sóng đánh vỡ (Ảnh: Quốc Nam/Sài Gòn tiếp thị)

Đê thẳng dài đã bị sóng hất dạt thành một đường vòng cung lõm lên hướng Tây, nơi đê bị đẩy đi xa nhất là hơn 50m.

Được biết, đoạn đê chắn sóng nối đảo Hòn Cỏ với cảng Hòn La thuộc gói thầu số 2 của dự án đường nối Khu kinh tế Hòn La với Khu công nghiệp xi măng Văn Tiến, thuộc xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), do Tập đoàn Trường Thịnh (Quảng Bình) thi công.

Trước bão, đê cũng đã được gia cố thêm bằng nhiều khối bê tông tản sóng và các rọ đá… nhưng rồi vẫn bị đánh sập. Ước thiệt hại ban đầu của việc hư hỏng đê chắn sóng này khoảng 30 tỷ đồng.

Quảng Ngãi: Sóng lớn đánh, 3 người chết

Do ảnh hưởng bão số 8, trưa và chiều ngày 28/10, tại khu vực tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 7, biển động mạnh.

Siêu bão Sơn Tinh tàn phá miền Bắc - 6

Sử dụng thuyền tìm xác nạn nhân

Trưa ngày 28/10, chị Võ Thị Tin ôm cháu Trương Ngọc Ánh về thăm gia đình ngoại ở thôn Du Quang, xã Phổ Quang. Khi đến bên bờ sông Thoa, chị Tin gọi điện thoại cho cha ruột là ông Võ Văn Hùng, 57 tuổi ra đón hai mẹ con. Ông Hùng ra bờ sông lấy chiếc xuồng bơi qua bên bờ xã Phổ Minh. Hai mẹ con chị Tin cùng một xe đạp chất lên xuồng được ông Hùng chèo lại bờ Phổ Quang. Tuy nhiên khi xuồng vừa ra giữa sông, gió lớn đánh vào xuồng. Lúc này chị Tin ôm cháu Ánh trong lòng bị gió hất rơi xuống sông. Thấy thế ông Hùng bỏ chèo, nhảy theo cứu con gái và cháu ngoại. Nước sông sâu, gió lớn, ba người bị cuốn trôi chết ngay sau đó.

Đến khoảng 13h cùng ngày, người nhà không thấy ông Hùng đưa hai mẹ con chị Ánh về, biết chuyện chẳng lành vội ra sông kiếm. Tìm trên sông chỉ thấy chiếc xuồng trôi, còn người và xe đạp bị chìm.

Người dân và chính quyền xã Phổ Quang đã khẩn trương tổ chức tìm kiếm. Lực lượng Công an huyện Đức Phổ cũng đã có mặt tham gia tìm xác. Đến 16h30, xác của ông Võ Văn Hùng và chị Võ Thị Tin đã lần lượt được tìm thấy. Riêng cháu Ánh vẫn chưa tìm thấy xác.

Do gió lớn, việc tìm kiếm xác cháu Ánh trên sông Thoa sẽ tiếp tục trong sáng 29/10.

Siêu bão Sơn Tinh diễn biến phức tạp

Ở khu vực đảo Hòn Dấu gió mạnh cấp 12, giật cấp 13; Thái Bình gió cấp 11, giật cấp 14; Văn Lý gió cấp 10, giật cấp 14; đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Nam Định và Phủ Liễn gió giật cấp 11.

Đêm hôm qua, ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 100 – 120mm; một số nơi có mưa lớn hơn như thành phố Thái Bình 400mm; Văn Lý (Nam Định) 330mm; Phủ Liễn (Hải Phòng) 297mm; đảo Cô Tô 262mm, Cửa Ông (Quảng Ninh) 222mm, Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) 173mm, Mai Hóa (Quảng Bình) 139mm, Tà Rụt (Quảng Trị) 146mm…

Đêm hôm qua và sáng sớm ngày hôm nay chính là thời điểm bão Sơn Tinh tàn phá mạnh nhất đối với các tỉnh miền Bắc bởi dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến khoảng 16 giờ ngày hôm nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực Móng Cái (Quảng Ninh). Gió giảm xuống còn cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.

Siêu bão Sơn Tinh tàn phá miền Bắc - 7

Cây xanh ngã đổ tại Nam Định (Ảnh: Việt Dũng/Tuổi trẻ)

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) ngày hôm nay còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, cấp 11. Biển động mạnh. Ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Như vậy, về tình hình gió tạm thời sẽ không còn những trận cuồng phong với tốc độ lên tới cấp 13, cấp 14 như đêm hôm qua; nhưng với cường độ cấp 8 thì vẫn còn nguy hiểm đối với tàu, thuyền và khu vực ven biển. Đối với tình hình mưa, khu vực các tỉnh ven biển phía đông Bắc Bộ ngày hôm nay sẽ còn tiếp diễn tình hình mưa vừa, mưa to đến rất to.

Phúc Lâm (Khampha.vn)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo (Tổng hợp)
Tin bão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN