Siêu bão Rai là cơn bão hiếm gặp và khác thường
Trong hơn 50 năm qua, có rất ít siêu bão xuất hiện trong tháng 12 như Rai và siêu bão Rai có hướng đi rất khác thường so với các cơn khác.
Cơn bão hiếm gặp trong tháng 12 và hướng đi khác thường
Chiều 16/12, ông Trần Quang Năng – Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) cho hay, bão Rai đã mạnh lên thành siêu bão, gió cấp 16, giật trên cấp 17.
“Theo thống kê của chúng tôi, từ năm 1970 tới giờ chỉ có 8 cơn siêu bão xuất hiện trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương vào tháng 12. Trong đó gần đây nhất là cơn bão Nocten - bão số 10 năm 2016 cường độ bão mạnh nhất cũng đạt cấp 16 ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, còn khi vào Biển Đông bão Nocten mạnh cấp 10-11. Do vậy, có thể đánh giá Rai là cơn siêu bão hiếm gặp trong tháng 12”, ông Năng nói.
Siêu bão Rai là cơn bão hiếm gặp trong tháng 12 và có hướng đi lạ thường. Ảnh minh họa
Dự báo, đến chiều và tối mai (17/12), bão RAI sẽ vượt qua khu vực phía Bắc của đảo Pa-la-oan (Philippines) và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 9 trong năm 2021.
Sau khi đi vào biển Đông, cường độ bão giảm còn cấp 13-14, giật cấp 17. Tiếp đó, khi vào vùng ven biển gần bờ nước ta, bão có xu hướng yếu thêm còn cấp 12-13 và đổi hướng dịch chuyển dần lên phía Bắc và tiếp tục suy yếu.
Trưởng phòng Dự báo thời tiết cho biết thêm, thông thường tháng 12, các cơn bão đi vào khu vực phía Nam của Biển Đông cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh thành phía Nam, tuy nhiên cơn bão Rai lại có xu hướng đi ngược lên phía Bắc, đó là sự khác thường về đường đi so với trung bình nhiều năm.
“Tất cả các kịch bản chúng tôi đều đã tính toán, tuy nhiên khả năng đường đi bão Rai lệch lên phía Bắc là đang có xác suất xảy ra cao nhất, lên tới 80%, ngoài ra cũng có khả năng bão đi thẳng vào miền Trung và lệch xuống phía Nam, tuy nhiên các khả năng này là không nhiều”, ông Năng chia sẻ.
Ông Năng lưu ý, siêu bão Rai là cơn bão cuối mùa, có cường độ mạnh. Khi vào Biển Đông, bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường sẽ gây ra gió rất mạnh cho khu vực vùng biển giữa Biển Đông, sóng biển rất cao, từ 8-10m, rất nguy hiểm cho tàu thuyền, kể cả tàu có trọng tải lớn.
Vì vậy, tàu thuyền ngay từ lúc này cần thực hiện nghiêm túc việc tránh xa khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của gió mạnh, nhất là khu vực có khả năng tâm bão đi qua. Ngoài ra, do có tương tác với không khí lạnh nên diễn biến của bão còn phức tạp, bà con cần thường xuyên cập nhật các dự báo mới nhất về diễn biến của bão trong những ngày tới trên website của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia và các phương tiện thông tin đại chúng.
Ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia)
Thủ tướng chỉ đạo ứng phó khẩn cấp với siêu bão Rai
Chiều 16/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng vừa ký Công điện số 1737 truyền đạt ý của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó khẩn cấp với siêu bão Rai sắp vào Biển Đông.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng của người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, quyết liệt chỉ đạo, triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp với lực lượng biên phòng và các cơ quan có liên quan chỉ đạo rà soát, nắm rõ ngay tất cả phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải và phương tiện khác) và các hoạt động trên biển; theo dõi sát diễn biến của bão, chỉ đạo thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để tàu thuyền, phương tiện hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão.
Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng và phòng chống dịch COVID-19 cho người dân tại nơi neo đậu, tránh trú.
Căn cứ diễn biến, nguy cơ ảnh hưởng của bão và thực tế tại địa phương chỉ đạo, triển khai các biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên các đảo và trên lồng bè nuôi trồng thủy hải sản.
Rà soát, chuẩn bị sẵn phương án để chủ động ứng phó với tình huống bão ảnh hưởng đến địa phương; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó, xử lý mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là đảm bảo an toàn dân cư trong bối cảnh dịch COVID-19, bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất.
Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Công an, Công Thương, Y tế, Ngoại giao… tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao và có phương án ứng phó với bão, mưa lũ phù hợp.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các địa phương triển khai các phương án ứng phó cụ thể phù hợp với diễn biến của bão, nhất là bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và các hoạt động trên biển, ven biển, an toàn tính mạng người dân; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bão Rai có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tàu thuyền hoạt động trên Biển Đông và gây gió mạnh ven biển Trung Bộ,...
Nguồn: [Link nguồn]