Siêu bão Noru: Cán bộ gõ cửa từng nhà, yêu cầu ký cam kết sơ tán
Chính quyền sẽ lo ăn uống cho những hộ thuộc diện di dời, trường hợp không chấp hành sẽ cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trước siêu bão Noru.
Trong sáng 26-9, nhiều địa phương tại TP Đà Nẵng đã yêu cầu người dân ký cam kết chấp nhận sơ tán trước thời điểm siêu bão Noru đổ bộ để đảm bảo an toàn tính mạng.
Tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), cán bộ phường rà soát, vận động những hộ dân có nhà tạm, không kiên cố…đến nơi an toàn trú bão.
Vận động các hộ dân ký cam kết sơ tán trước 17 giờ ngày 26-9
Công tác di dời, chằng chống tại phường Thọ Quang dự kiến sẽ hoàn thành trước 17 giờ cùng ngày
Các gia đình buộc di dời thuộc diện nhà cửa tạm bợ, không đảm bảo khi bão đổ bộ, buộc ký cam kết chấp nhận sơ tán trước 17 giờ ngày 26-9.
Ký cam kết chấp hành sơ tán và di dời, anh Đinh Công Thành (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) chia sẻ: "Dự báo bão Noru mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây, nên gia đình tranh thủ gửi con ở nhà người thân. Tôi và vợ sẽ dọn dẹp, kiên cố tài sản trước khi di tản vào 17 giờ hôm nay như đã cam kết".
Ông Phan Hoàng Thủy, cán bộ phường Thọ Quang cho biết ngay từ sáng sớm, bên cạnh đến nhà dân để thông báo, cán bộ phường đã giúp vận chuyển tài sản của dân đến nơi an toàn trú bão.
"Mọi công việc sẽ hoàn thành trước 5 giờ chiều nay. Chính quyền sẽ lo ăn uống cho những hộ thuộc diện di dời, trường hợp không chấp hành sẽ cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân" - ông Thủy thông tin.
Lực lượng dân quân hỗ trợ chằng chống nhà cửa tại phường Phước Mỹ
Công tác được triển khai rất gấp rút
Trong khi đó, tại phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà), nhiều hộ thuộc diện neo đơn, nhà cửa không đảm bảo đã liên hệ với chính quyền địa phương, được dân quân tự vệ hỗ trợ ngay sau đó.
Trung tá Nguyễn Công Nhân, Chỉ huy phó Ban chỉ huy Quân sự quận Sơn Trà cho biết lực lượng đã chia từng nhóm nhỏ để hỗ trợ chằng chống nhà dân được nhanh nhất.
"Tại 4 phường giáp biển ở quận Sơn Trà, lực lượng vũ trang đã chuyển hơn 100 thúng của ngư dân lên bờ an toàn. Ngoài ra, các lực lượng báo cáo lên nhà sập, xiêu vẹo là khoảng 40 hộ" - trung tá Nhân thông tin.
Sáng cùng ngày, Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết đã hoàn thành phương án và đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão Noru.
Cụ thể, Sở Công Thương lên phương án cho 2 trường hợp: Bão cấp 12 - 13 (bão rất mạnh) và bão cấp 14 - 17 (siêu bão).
Trường hợp bão rất mạnh (cấp 12 - 13), Đà Nẵng dự kiến sơ tán 32.248 hộ dân/108.456 người (số hộ dân sơ tán: 25.448 hộ; sinh viên, công nhân là 6.800 hộ). Dự kiến định mức hỗ trợ là 385.000/hộ (4 mặt hàng sữa các loại, mì tôm, trứng, nước uống dùng trong 3 ngày). Kinh phí dự kiến 12,42 tỉ đồng.
Người dân tích trữ thực phẩm để ứng phó siêu bão Noru
Trong trường hợp siêu bão (bão cấp 14 - 17), dự kiến sẽ sơ tán 173.447 người; tương đương 46.900 hộ dân (số hộ dân: 38.125 hộ; sinh viên, công nhân: 8.775 hộ). Với mức hỗ trợ 385.000 đồng/hộ, đảm bảo 4 mặt hàng thiết yếu gồm sữa tươi, mì tôm, trứng, nước uống, tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là 18,1 tỉ đồng.
Sở Công Thương TP Đà Nẵng cũng đề nghị UBND các quận, huyện khi có nhu cầu cần hàng hỗ trợ cho người dân, tùy theo tình hình thực tế phát sinh chủ động liên hệ với các nhà cung ứng (theo thông tin Sở cung cấp thông tin các đầu mối cung ứng, phân phối toàn thành phố) để mua hàng hỗ trợ cho người dân.
Các nhà cung ứng có trách nhiệm dự trữ hàng hóa, khi có yêu cầu cung cấp thì vận chuyển hàng hóa đến các quận, huyện theo số lượng đã phân bổ hoặc theo nhu cầu thực tế.
Ngày 26-9, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP Đà Nẵng phát công văn về việc kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị ứng phó với bão Noru . Theo đó, trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên nghỉ học từ chiều thứ Hai (ngày 26-9) đến khi có thông báo đi học lại của sở. Các trường, trung tâm ở địa bàn thấp trũng, dễ bị ngập lụt hoặc được chọn làm nơi sơ tán dân đến tránh bão thường xuyên theo dõi diễn biến mưa, lũ, báo cáo Sở GDĐT, UBND các quận, huyện, chủ động đề xuất phương án cho trẻ mầm non, học sinh, học viên nghỉ học phù hợp với tình hình thực tế. Các trường đại học tư thục theo dõi tình hình bão, liên hệ với chính quyền địa phương nơi trường đóng chân, chủ động quyết định thời gian cho sinh viên nghỉ học để đảm bảo an toàn và các yêu cầu về phòng, chống bão. Các trường phân công các bộ phận có liên quan trực 24/24 trên nguyên tắc "4 tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh. Thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết để theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa, lũ sau khi bão đi qua. Sau bão, các đơn vị tổng hợp, báo cáo những thiệt hại gửi về Sở GDĐT trước 15 giờ ngày 28-9 và ngày 29-9, tập trung lực lượng và phương tiện, khẩn trương khắc phục những ảnh hưởng của bão; phối hợp với phụ huynh, đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non và học sinh, học viên khi quay trở lại trường học. |
Nguồn: [Link nguồn]
Lãnh đạo TP Đà Nẵng thống nhất cho học sinh các cấp nghỉ học từ chiều nay 26-9 cho đến khi có thông báo mới.