Siêu bão MANGKHUT bán kính ảnh hưởng cực rộng, 27 tỉnh căng mình ứng phó
Với bán kính gió lên tới khoảng 400km, 27 tỉnh thành nước ta sẽ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của siêu bão MANGKHUT.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp ứng phó với siêu bão MANGKHUT.
Chiều nay (14/9) tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT&TKCN đã tổ chức họp khẩn với 27 tỉnh thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của siêu bão MANGKHUT để có phương án ứng phó kịp thời.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, 13h chiều nay, siêu bão MANGKHUT đang cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Như vậy, khoảng trưa và chiều mai siêu bão sẽ đi vào khu vực Đông Bắc của Biển Đông với sức gió cấp 14-15, giật cấp 17.
Sau khi vào Biển Đông, siêu bão tiếp tục di chuyển với tốc độ 20-25km/h và có khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào ngày 17/9.
Siêu bão có phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 400km tính từ vùng tâm bão; phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 200km tính từ vùng tâm bão. Với bán kính rộng như thế, vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của nước ta là khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (27 tỉnh, thành phố). Cường độ của bão rất mạnh và gây mưa lớn cho Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
“Bão gây sóng lớn cao 14m ở khu vực Bắc Biển Đông, cao 5m ở quần đảo Hoàng Sa, giữa biển Đông; tổ hợp nước biển dâng và sóng ở khu vực ven bờ cao từ 4-5m”, ông Cường nói.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của siêu bão MANGKHUT. ẢNh Trung tâm Dự báo KTTVQG.
Ông Trần Quang Hoài – Tổng Cục trưởng Tổng Cục phòng chống thiên tai cho hay, khu vực đổ bộ của siêu bão là trung tâm kinh tế, xã hội của vùng với số lượng dân cư tập trung đông; các hoạt động ven biển và đất liền với số lượng lớn. Hơn nữa, các tỉnh miền núi phía Bắc vừa trải qua những đợt mưa lũ hoành hành về cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng giao thông… Do đó, các tỉnh thành phải cần hết sức khẩn trương lên phương án phòng chống bão.
Theo thống kê của các tỉnh trong khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, có 7.886 tàu thuyền đánh bắt hải sản, chủ yếu hoạt động trong vịnh Bắc Bộ và ở vùng biển phía Nam vỹ tuyến 18. Các khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão có sức chứa 7.064 tàu.
Để sẵn sàng ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do siêu bão MANGKHUT gây ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị 27 tỉnh từ Bắc Bộ đến Thanh Hóa cần khẩn trương tập trung thực hiện việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.
Các địa phương tùy vào tình hình cụ thể để thực hiện cấm biển, kể cả với các tàu vận tải, tàu du lịch, hoàn thành trước 10h ngày 16/9.
Chỉ đạo gia cố, đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy sản; tập trung thu hoạch sớm các khu nuôi trồng thủy sản để giảm thiểu thiệt hại.
Tổ chức sơ tán người dân trên các phương tiện lồng bè, chòi canh khu nuôi trồng thủy sản vùng thấp trũng ven sông, ven biển đến nơi an toàn. Việc sơ tán dân hoàn thành trước 17h ngày 16/9.
Đối với khu vực đồng bằng, cần sơ tán người dân khỏi các vùng trũng thấp; thu hoạch các diện tích lúa đã chín, tiêu nước chống úng; chằng chống nhà cửa; cấm giao thông tại các vị trí quan trọng; bảo vệ an toàn đê điều.
Đối với các tỉnh ven biển, xem xét cho học sinh nghỉ học ngày 17/9. Truển khai đảm bảo hệ thống lưới điện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để khắc phục sự cố.
Đối với khu vực vùng núi cần triển khai, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức cắm biển cảnh báo tại những ngầm tràn, đường ngập sâu; sẵn sàng đảm bảo an toàn hồ đập, kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ.
Dù bão ảnh hưởng trực tiếp hoặc không trực tiếp đến Hà Nội, nhưng với các cầu của Hà Nội như Vĩnh Tuy, Thanh Trì,...