“Siết” nhập cư vào thủ đô

Dự án Luật Thủ đô quy định để đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội phải có nhà ở hoặc nhà thuê và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên.

Ngày 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tiếp tục họp cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô trong phiên họp sáng 17-8. Vấn đề được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ QH mổ xẻ tại phiên họp là điều kiện được nhập cư quy định trong dự luật.

Áp lực tăng dân số

Theo dự Luật Thủ đô, để đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội, các cá nhân phải “có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú”.

Việc thay đổi quy định về nhập cư theo hướng siết chặt hơn so với dự thảo Luật Thủ đô trình QH khóa XII khi chỉ quy định điều kiện “có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê lâu dài ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 2 năm trở lên”. Dự thảo cũ đã không được QH khóa XII thông qua.

Giải thích về vấn đề này, ban soạn thảo dự luật cho biết Luật Cư trú quy định mở rộng các điều kiện đăng ký thường trú vào TP. Trên thực tế, sau 5 năm thực hiện, số người chuyển về Hà Nội làm ăn sinh sống (đăng ký thường trú), lao động tự do, tạm trú, vãng lai đã tăng rất nhanh, gây sức ép rất lớn về gia tăng dân số cơ học vào thủ đô.

Bên cạnh đó, việc bổ sung quy định “nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú” nhằm ngăn chặn tình trạng tạm trú một nơi nhưng lại đăng ký thường trú ở một nơi khác, gây khó khăn cho việc quản lý dân cư.

Không phân biệt đối xử

Tại phiên họp, quy định quản lý dân cư trong dự luật được đa số thành viên Ủy ban Thường vụ QH thống nhất. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai đề nghị việc quản lý dân cư cần kết hợp giữa chế tài với các biện pháp kinh tế - xã hội mới có hiệu quả.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân góp ý quy định cần “mềm mại và đừng vi phạm vào quyền công dân trong Hiến pháp”. Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi chia sẻ: “Quản lý dân cư bằng điều kiện về nhà ở là phù hợp. Không nên quy định về bằng cấp, việc làm, thể hiện sự phân biệt đối xử và quá xa so với Luật Cư trú”.

Tán thành với dự luật nhưng Ủy ban Pháp luật của QH lo lắng quy định dù có “siết” vẫn không thể hạn chế được người dân đến cư trú tại Hà Nội. Người dân không được đăng ký thường trú vẫn có thể tạm trú tại đó để mưu sinh, mưu cầu hạnh phúc và như vậy áp lực lên cơ sở hạ tầng của Hà Nội vẫn không được giải quyết. Ủy ban Pháp luật đồng tình với ý kiến của bà Trương Thị Mai là cần phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, như chuyển các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ ra khỏi nội thành; đồng thời giảm bớt việc xây dựng nhà ở cao tầng trong nội thành... mới giải quyết được tận gốc vấn đề.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu ban soạn thảo phải chuẩn bị dự luật thật tốt để QH có thể thông qua ngay tại kỳ họp cuối năm nay. Cần hết sức hạn chế những điều giao Chính phủ, HĐND TP quy định sau, khiến luật trở nên không rõ ràng, khó hiểu đối với đại biểu QH. “Làm thế nào để thuyết phục được các đại biểu QH rằng những cơ chế này được đưa ra cho một thủ đô duy nhất, khác biệt với các đô thị khác” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Đề nghị lấy Khuê Văn Các làm biểu tượng của thủ đô

Dự Luật Thủ đô cũng đề nghị lấy Khuê Văn Các (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) làm biểu tượng của thủ đô. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ QH tán thành việc sử dụng biểu tượng Khuê Văn Các, song cũng có ý kiến đề nghị ban soạn thảo đưa thêm một số phương án khác để lựa chọn.

Dự thảo Luật Thủ đô đề xuất khi thực hiện thu hồi đất của trụ sở các cơ quan Trung ương, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thủ đô để sử dụng cho mục đích đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm bố trí quỹ đất sạch cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện di dời.

Ngân sách các cấp bố trí kinh phí đầu tư cho cơ quan, đơn vị theo phân cấp. Sở dĩ quy định như vậy, theo ban soạn thảo, trên thực tế, việc di dời trụ sở một số cơ quan Nhà nước còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên cần có quy định ở tầm luật để tháo gỡ.

Quy định này xác định rõ trách nhiệm của TP Hà Nội trong việc bố trí quỹ đất sạch, còn các cấp ngân sách thì bảo đảm kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Dũng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN