Siết nhập cư tại 5 thành phố lớn

PV trao đổi với Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) xung quanh kiến nghị của Đà Nẵng về quản lý dân cư và nội dung sửa đổi Luật Cư trú sắp tới.

Ủng hộ kiến nghị của Đà Nẵng

Hiện vẫn còn các quan điểm trái ngược nhau về kiến nghị của HĐND TP Đà Nẵng trong công tác quản lý dân cư ở đô thị, quan điểm của Bộ Công an ra sao, thưa thiếu tướng?


Bộ Công an cũng như các bộ ngành liên quan khác đều ủng hộ kiến nghị của Đà Nẵng về quản lý dân cư ở đô thị. Liên quan đến vấn đề này, trước đó Bộ Công an đã có báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ biện pháp giải quyết.

Đối với đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú và cho áp dụng diện tích tối thiểu trong trường hợp đăng ký nhập hộ khẩu vào chỗ ở do ở nhờ, thuê, mượn ở thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công an đang khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng kiểm soát việc gia tăng dân số cơ học tại các đô thị lớn.

Tuy nhiên chờ sửa luật để được Quốc hội thông qua thì lâu. Do vậy với kiến nghị của Đà Nẵng, cần sớm sửa đổi hai nghị định về cư trú và Chính phủ ban hành.

Theo hai nghị định này, quy định diện tích tối thiểu chỉ mới áp dụng cho TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Siết nhập cư tại 5 thành phố lớn - 1

Thiếu tướng Trần Văn Vệ

Mới đây Thủ tướng đã đồng ý giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi hai nghị định này theo hướng quy định điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ tại tất cả TP trực thuộc Trung ương đều phải đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định.

Vậy dự kiến sửa đổi bổ sung hai nghị định trên như thế nào?

Về cơ bản là áp dụng như ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, quy định diện tích tối thiểu 5m2 sàn/1 người đối với trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ.

Chúng tôi đã đề xuất sang Bộ Tư pháp sửa đổi hai nghị định theo thủ tục rút gọn, nhưng không được chấp thuận. Quan điểm của họ cho rằng là phải theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến quyền công dân nên cần làm theo đúng trình tự.

Nếu vậy sẽ rất mất thời gian, hàng năm trời mới xong. Chúng tôi phải thành lập Ban soạn thảo nghị định, Tổ biên tập; xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung; xin ý kiến các bộ ngành, địa phương; sau đó tổng hợp các ý kiến trình Bộ Tư pháp thẩm định; trình Chính phủ; Chính phủ xin ý kiến của các thành viên Chính phủ và được sự nhất trí cao thì Thủ tướng mới ký. Trong khi điều kiện đưa ra ở đây đã khá rõ ràng và nhận được nhiều ý kiến ủng hộ.

“Nhà 20m2 đăng ký thường trú cho 20 người”

Siết nhập cư tại 5 thành phố lớn - 2

Chất lượng sống của người dân tại các TP lớn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng một khi hạ tầng đang quá tải

Có ý kiến cho rằng sự quá tải tại các đô thị lớn hiện nay một phần nguyên nhân là do các quy định của Luật Cư trú thông thoáng, nhiều kẽ hở. Ý kiến của thiếu tướng như thế nào về vấn đề này?

Đúng là các quy định của Luật Cư trú hiện hành đang rất thông thoáng trong việc đăng ký thường trú. Theo khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú quy định công dân cư trú liên tục tại TP từ một năm trở lên và có chỗ ở hợp pháp là được đăng ký thường trú.

Do không quy định diện tích tối thiểu là bao nhiêu nên có nhiều trường hợp cho nhập hộ khẩu vào hộ khẩu của mình trong khi thực tế những người này không cư trú tại đó, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Hoặc có trường hợp nhà ở chỉ khoảng 20m2 nhưng bảo lãnh đăng ký thường trú cho tới 20 người nhập hộ khẩu. Cũng tại Điều 20 khoản 3 quy định những người vào làm trong các doanh nghiệp theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn thì được đăng ký thường trú ngay vào TP trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên lại không có quy định để ngăn chặn việc một số doanh nghiệp lợi dụng quy định này để ký hợp đồng lao động “ma” cho những người đang thiếu điều kiện này.

Có thực tế nữa, một học sinh dưới tỉnh thi đỗ đại học rồi lên Hà Nội học, hai ba năm sau mới cắt hộ khẩu. Một người có đến hai ba nơi quản lý hộ khẩu nhưng cuối cùng không ai quản lý được.

Hay có người trong một TP có đến ba bốn sổ tạm trú ở các quận khác nhau. Để ngăn ngừa những kẽ hở, bất cập trên, Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2013.

Thiếu tướng có lo ngại khi siết chặt việc nhập cư sẽ hạn chế quyền cư trú của công dân?

Tôi nghĩ sửa luật cho chặt chẽ, quản lý tốt hơn sẽ không hạn chế quyền tự do cư trú của công dân.

Công dân sẽ tự do khi được đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về an sinh xã hội, hạn chế được những bức xúc do việc tập trung dân cư quá đông ở khu vực nội thành.

Hơn nữa, Hiến pháp một mặt thừa nhận quyền tự do cư trú của công dân, nhưng cũng giới hạn quyền đó phải theo quy định của pháp luật.

Hiện nay quản lý dân cư mới chỉ dừng lại ở quản lý hộ khẩu, số lượng, chưa chú trọng tới quản lý chất lượng cư dân trong khu vực nội thành?

Đúng là chất lượng cư dân trong khu vực nội thành chưa cao, thể hiện rõ nhất là sự tùy tiện trong các hành vi: tham gia giao thông thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi, vi phạm pháp luật... Chính quyền các cấp cũng đã chú trọng đến việc phát triển con người, môi trường sống và đã có nhiều thay đổi.

Xin cảm ơn thiếu tướng.

Đại tá Vũ Xuân Dung, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về trật tự xã hội: Chính sách phát triển đô thị không tốt

Dân tập trung đông về ở các quận nội thành còn do chính sách phát triển đô thị không tốt. Trong nội thành đua nhau xây dựng chung cư cao tầng để bán, đương nhiên người dân thích mua về ở cho thuận tiện đi lại, sinh hoạt.

Chính quyền đã không tính đến khi xây chung cư với mật độ dày sẽ hút người rất đông đến ở, dẫn đến bị quá tải. Mà người dân đã về ở là phải đăng ký thường trú, tạm trú cho họ. Nếu không đăng ký họ vẫn ở.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Long (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN