Siết nhập cư, HN sẽ giảm dân số trên… giấy?

Theo tính toán, nếu siết nhập cư, mỗi năm, số người đăng ký vào nội thành có thể giảm 14.000- 19.100 khẩu. Tuy nhiên, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) cho rằng, đó là giảm trên sổ sách.

Thảo luận tại tổ Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, hạn chế nhập cư vào nội thành để đảm bảo cuộc sống cho người dân, phù hợp quy mô dân số mà quy hoạch chung Thủ đô đã đề ra chứ không có chuyện “người an cư gây khó cho người mới”.

Hạn chế chứ không cấm đoán

Hầu hết ý kiến trong đoàn đại biểu QH thành phố Hà Nội thống nhất cao với những nội dung trong dự thảo luật.

ĐB Bùi Thị An bày tỏ: “Không phải tôi là đại biểu Hà Nội nên nói cho Thủ đô. Mà cử tri và nhân dân cả nước đều mong muốn Thủ đô phát triển xứng tầm”. Bà An cho rằng, những quy định về nhập cư không phải là cấm đoán mà là hạn chế trong bối cảnh nội thành đã quá tải.

ĐB Đào Trọng Thi đồng tình quy định thêm điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội, ủng hộ phương án quy định điều kiện nhà thuê phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu 5m2/người. Tuy nhiên, ông Thi cho rằng, các phương án cần lựa chọn cẩn trọng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, những ý kiến khác biệt lúc đầu đã thu hẹp. Ông Nghị khẳng định, đối với khu vực ngoại thành việc nhập cư vào Hà Nội thực hiện như Luật Cư trú.

Còn khu vực nội thành, để đảm bảo cuộc sống cho người nhập cư mới và người dân đang sống tại đây, đảm bảo phù hợp quy mô dân số mà Quy hoạch chung Thủ đô đã đề ra thì không thể cho nhập cư vô hạn.

“Diện tích quận Hoàn Kiếm có 4,5 km2 mà tới 22 vạn dân. Tại phố cổ có nhà 7- 8 hộ cùng sinh sống. Hà Nội đang giãn dân ra ngoại thành, các bộ cũng chuyển ra bên ngoài. Nếu không hạn chế nhập cư thì không thể giải quyết tình trạng quá tải”- ông Nghị nói.

Hạn chế quyền tự do cư trú?

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, điều quan trọng với Hà Nội là “nói phải đi đôi với làm”.

Siết nhập cư, HN sẽ giảm dân số trên… giấy? - 1

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Để giảm tải phải di dời nhà máy, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô - việc này đặt ra chục năm rồi nhưng chưa làm được. Ông Đương cho rằng, tạm trú mới là vấn đề chứ thường trú chưa phải quá bức xúc.

Phó Trưởng đoàn đại biểu QH TP Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cho rằng, quá tải ở Hà Nội một phần là do quản lý: “Mật độ dân cư như thế mà thành phố vẫn không ngừng cho xây nhà cao tầng, cơ sở sản xuất, trường học trong nội thành, thì làm sao mà giãn dân cư được”. Đại biểu này đề nghị không nên hạn chế quyền tự do cư trú của công dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho biết, cách đây hơn một tuần, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức hội thảo với sự tham dự của các nhà khoa học có uy tín.

Nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định trong dự thảo luật đều có hết cả rồi, nhưng tại sao không thực hiện được?

Theo tính toán, nếu siết nhập cư, mỗi năm, số người đăng ký vào nội thành có thể giảm 14.000- 19.100 khẩu.

Tuy nhiên, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) cho rằng, đó là giảm trên sổ sách, còn số người thực tế không giảm: “Không thể giảm bằng biện pháp hành chính cấm đoán”.

Đề cập về cơ chế tài chính, trong đó cho phép Hà Nội được sử dụng các khoản thu của ngân sách trung ương vượt dự toán, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) băn khoăn: Nếu Hà Nội được hưởng như thế thì TPHCM, Cần Thơ thì sao? Chúng ta ưu tiên cho Thủ đô như thế có hợp lý không?

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lý giải, thực tế hiện nay Hà Nội đã được ưu tiên tài chính như quy định trong luật, “lần này ghi vào luật để thành chế tài thực hiện cho dễ thôi”.

Chấn chỉnh hoạt động liên kết xuất bản

Hôm qua, QH cũng thảo luận về Luật Xuất bản (sửa đổi). Một số ý kiến đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm các quy định cụ thể về điều kiện hoạt động, quyền hạn, trách nhiệm, cơ cấu tổ chức nhân sự cũng như quy trình tổ chức và biên tập bản thảo của cơ sở liên kết xuất bản.

Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, cần công nhận để quản lý chặt chẽ hơn một hình thức liên kết xuất bản mới mà trên thực tế đã hình thành một cách tự phát. Trong đó, đối tác liên kết được thực hiện một số công đoạn ban đầu của khâu biên tập (biên tập sơ bộ) bản thảo.

Do vậy, cơ sở liên kết phải cùng với nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về nội dung cũng như chất lượng xuất bản phẩm. Đối với những xuất bản phẩm có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì nhà xuất bản không được liên kết mà phải trực tiếp thực hiện toàn bộ khâu biên tập bản thảo.

Ngọc Tiến

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Nhân- Nguyễn Tuấn (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN