SH, Air Blade, Lead "vô chủ" chất đống, chỉ 500.000 đồng/xe
Hàng nghìn chiếc xe máy vi phạm hành chính bị cơ quan chức năng thu giữ chất đống, hoen gỉ tại bãi trông giữ nhiều năm qua do chủ phương tiện “bỏ của chạy lấy người”.
Tại Hà Nội, Công ty Hà Cầu - Thăng Long là đơn vị ký hợp đồng với cơ quan chức năng trông giữ phương tiện (xe máy, ô tô) vi phạm giao thông. Tại bãi trông giữ xe tại Hà Đông - Hà Nội, hàng nghìn chiếc xe máy xếp chồng chất lên nhau.
Xe máy vi phạm giao thông bị tạm giữ, xếp chồng chất lên nhau.
Ông Nguyễn Văn Thốn - Giám đốc Công ty Hà Cầu - Thăng Long - cho biết, có khoảng 3.500 chiếc xe máy tồn tại 2-3 năm tại bãi giữ xe. Có ngày bãi xe nhận về 20-30 xe máy vi phạm tuy nhiên số chủ phương tiện tới nộp phạt, nhận lại xe chỉ 1-2 chiếc. Đa phần xe bị bỏ lại do xe gặp tai nạn, hư hỏng hoặc cũ nát.
Nhiều chiếc xe bị cây mọc um tùm che khuất.
Những dãy nhà tạm 2 tầng được dựng lên để chứa xe vi phạm.
Theo ông Thốn, việc tồn hàng nghìn chiếc xe máy cũ tiềm ẩn lãng phí. Ví dụ, một chiếc xe vi phạm sau 3 tháng bị chủ xe bỏ lại, nếu thanh lý giá trị xe khoảng 1 triệu đồng/xe, nhưng do xe để lâu 2-3 năm nên giá trị thanh lý chỉ còn khoảng 500.000 đồng/xe.
Việc tồn hàng nghìn chiếc xe máy cũ tiềm ẩn lãng phí.
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, chiếc xe được xác định vô chủ, quy trình tịch thu, đấu giá, tiêu hủy hiện khá phức tạp. Thời gian xử lý xe vi phạm tính từ thời điểm xe bị tạm giữ ít nhất hơn 1 năm.
Xe cũ nằm chen chúc, lẫn trong cây cối vì bị bỏ tại bãi trông giữ 2-3 năm.
Để xác lập tài sản toàn dân, đấu giá xe máy "vô chủ", cơ quan chức năng cần lập Hội đồng thẩm định giá (với nhiều đơn vị như đại diện công an, tài chính, tư pháp..), ra quyết định tịch thu xe. Sau đó, cơ quan chức năng định giá trên cơ sở thời gian lưu kho, so sánh giá trị với xe mới và đưa ra giá khởi điểm đấu giá.
Bộ Tài chính cho biết, đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất chi tiết phương án xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.
“Dự thảo Nghị định khi được thông qua sẽ góp phần giúp đẩy nhanh quy trình, thủ tục xử lý tài sản xác lập sở hữu toàn dân. Từ đó, góp phần hạn chế tình trạng để lãng phí các tài sản như trường hợp xe vi phạm hành chính cũ hỏng”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Bên trong các kho tang vật vi phạm giao thông ở TP.HCM, hàng chục nghìn phương tiện chất cao thành “núi”, bị cỏ cây bao trùm, phơi nắng mưa nhiều năm qua.
Nguồn: [Link nguồn]