Sẽ xóa bỏ 2 trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 91
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp xử lý bất cập tại các trạm thu phí thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ (QL) 91 đoạn Km14+00 - Km50+889 theo hình thức BOT.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, dự án hoàn thành đưa vào khai thác đoạn tuyến QL91 từ tháng 4-2016 và đoạn tuyến QL91B từ tháng 12-2016 đúng tiến độ và quy định pháp luật, bảo đảm hiệu quả đầu tư, góp phần giải quyết vấn đề lưu thông và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng các tỉnh Tây Nam Bộ nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Từ năm 2016-2017, công tác thu phí diễn ra bình thường và ổn định.
Tuy nhiên, sau đó đã phát sinh vướng mắc, bất cập tại trạm thu phí T1 và T2 trên QL91, ảnh hưởng đến việc hoàn vốn, kéo theo nguy cơ không bảo đảm phương án tài chính của dự án.
Cụ thể, hồi tháng 5-2017, Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang, Hiệp hội Vận tải Kiên Giang, doanh nghiệp vận tải, người điều khiển phương tiện qua trạm thu phí... đã phản ứng về việc thu phí tại đây, gây mất an ninh - trật tự, ách tắc giao thông.
Đến tháng 5-2019, các phương tiện di chuyển từ tỉnh Đồng Tháp sang tỉnh An Giang theo QL80 phải đi qua trạm thu phí T2 cũng phản ứng, cản trở việc thu phí. Việc thu phí tại trạm T2 vì thế phải dừng từ ngày 25-5-2019, dẫn đến không bảo đảm doanh thu để hoàn vốn và trả nợ theo phương án tài chính.
"Năm 2020, doanh thu của dự án đạt 50% và năm 2021 còn 36% so với phương án tài chính" - lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Trạm thu phí T2 trên Quốc lộ 91 thời điểm còn thu phí từng bị nhiều doanh nghiệp vận tải, tài xế phản ứng. Ảnh: Ngọc Trinh
Tình hình trên buộc Bộ GTVT phải báo cáo Thủ tướng 2 phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.
Phương án 1: Xóa bỏ trạm thu phí T2 và tiếp tục thu phí tại trạm T1 trên QL91. Với phương án này, nhà nước không phải bố trí kinh phí để thanh toán cho nhà đầu tư song có thể dẫn đến vỡ phương án tài chính.
Phương án 2: Chấm dứt hợp đồng trước hạn, xóa bỏ trạm thu phí T1 và T2 trên QL91; nhà nước bố trí vốn ngân sách hơn 1.800 tỉ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư. Phương án này giải quyết triệt để các tồn tại, vướng mắc của dự án; đáp ứng quy định của hợp đồng và pháp luật về PPP (hình thức đối tác công - tư); có tính khả thi. Tuy nhiên, nhà nước cần bố trí nguồn ngân sách để thực hiện.
So sánh 2 phương án, Bộ GTVT kiến nghị xử lý vướng mắc của dự án theo phương án 2. Sau khi Bộ GTVT báo cáo Chính phủ phương án này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kết luận tại Thông báo số 158 ngày 26-5 của Văn phòng Chính phủ như sau: "Cơ bản thống nhất phương án đề xuất của Bộ GTVT để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập tại trạm thu phí dự án". Theo đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để tiến hành các trình tự, thủ tục kiểm toán xác định giá trị chính xác; thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định pháp luật.
Hôm nay 22-2, Cục quản lý đường bộ 4, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, Nhà đầu tư BOT, các đơn vị liên quan đi khảo sát, đánh giá lại hiện trạng tại khu vực trạm BOT đường...
Nguồn: [Link nguồn]