Sẽ xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu VKSND Tối cao và TAND Tối cao trong quý III phải đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn, đang được dư luận quan tâm.

Sáng 17/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp phiên thứ ba nhằm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm; cho ý kiến triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì phiên họp.

Truy tố 366 bị can tham nhũng


Theo TTXVN, đánh giá của Ban Chỉ đạo cho thấy trong 6 tháng đầu năm, công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết qủa tích cực trong một số mặt, như: xây dựng và hoàn thiện thể chế; công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng...

Thanh tra Chính phủ cho biết nhiều bộ, ngành, địa phương đã báo cáo việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2012 với 370.650 người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi thường xuyên công tác. Qua đó, 58 trường hợp vi phạm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập đã bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên vẫn còn 13 bộ, ngành, địa phương chưa gửi báo cáo kết quả kê khai tài sản.

Qua 4.724 cuộc thanh tra hành chính và trên 89.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 283.183 tổ chức, cá nhân phát hiện vi phạm 12.225 tỉ đồng, 452 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 4.934 tỉ đồng và 401 ha đất (đã thu hồi 2.306 tỉ đồng)... Ngành thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 431 tập thể, 819 cá nhân.

Theo báo cáo của VKSND Tối cao, các cơ quan pháp luật đã khởi tố 116 vụ/266 bị can về tội danh tham nhũng, so với cùng kỳ năm 2012 giảm 15 vụ nhưng tăng 34 bị can. VKSND các cấp đã truy tố 138 vụ/366 bị can và TAND các cấp đã xét xử theo thủ tục sơ thẩm 100 vụ/196 bị cáo về tội danh tham nhũng.

Sẽ xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn - 1

Trong tương lai, nội dung phòng, chống tham nhũng sẽ được đưa vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục. Trong ảnh: Một giờ học tại Trường ĐH Hồng Bàng (TP HCM). Ảnh: Thùy Vinh

Tám nhiệm vụ trọng tâm

Từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ đạo đề ra 8 nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó, những việc trọng tâm là tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; tập trung tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI); kết luận hội nghị Trung ương 5 (khóa XI); đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu, tham gia sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng); khẩn trương xây dựng các quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đang được thực hiện nhưng hiệu quả thấp…

Trong quý III sẽ thành lập 7 đoàn công tác để kiểm tra, giám sát một số ngành và địa phương trên toàn quốc; thống nhất chọn 8 vụ án, 2 vụ việc tham nhũng và kinh tế có dấu hiệu tham nhũng, phức tạp, dư luận quan tâm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. VKSND Tối cao phối hợp với TAND Tối cao chỉ đạo đưa ra xét xử vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (giai đoạn I) và vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. TAND Tối cao chỉ đạo các TAND của TP Hà Nội, TP HCM và tỉnh Đắk Nông sớm đưa ra xét xử 3 vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã có quyết định truy tố (vụ Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vụ Nguyễn Bi và Nguyễn Thị Thanh Huyền tham ô tài sản tại Công ty Cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam; vụ Vũ Việt Hùng cùng đồng phạm nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay, lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

Ban Chỉ đạo giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp.

Một số vụ án trọng điểm xử lý chậm

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo đã kế thừa, phát huy kinh nghiệm của những khóa trước, triển khai các công việc nền nếp, bài bản; việc xây dựng thể chế nhanh hơn, công tác phát hiện, xử lý tích cực hơn, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã có tác động tích cực, rõ rệt trong công tác phòng, chống tham nhũng; ý thức của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống tham nhũng có chuyển biến tốt hơn. Tuy nhiên, một số cấp, ngành chưa chỉ đạo ráo riết, quyết liệt; hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, luật đã ban hành rồi nhưng chậm cụ thể hóa; một số vụ án trọng điểm lớn triển khai xử lý chậm; công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng chưa được như mong muốn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong 6 tháng cuối năm, cần tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng theo kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI); công tác tuyên truyền về phòng chống tham nhũng cần được triển khai bài bản hơn, đúng mức, khách quan, không bao che những thiếu sót khuyết điểm, tạo niềm tin trong nhân dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Cường (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN