Sẽ tuyển nhiều cán bộ, viên chức đi nghĩa vụ quân sự
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, cho biết hiện 90% trường hợp đi nghĩa vụ quân sự là con em nông dân, nên từ năm tới sẽ tuyển nhiều cán bộ, viên chức để đảm bảo công bằng xã hội và nâng cao chất lượng quân đội.
Sáng 14/8, thảo luận về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi, bổ sung) tại phiên họp lần thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết khi tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự 2004, các địa phương đề xuất nên chọn thống nhất thời gian nhập ngũ là 24 tháng để đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng phục vụ trong quân đội, đảm bảo chất lượng sẵn sàng chiến đấu, chất lượng huấn luyện tốt hơn.
“Cùng đi nhập ngũ, cùng một địa phương nhưng có đồng chí phục vụ 24 tháng, có người 18 tháng; tâm lý chung thì anh em đều nói 18 tháng thì tốt hơn. Nhưng do yêu cầu quân đội thì 24 tháng thì tốt hơn. 24 tháng để có thể lấy được đồng chí có trình độ đưa đi đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy; trong thời bình sẽ giúp rèn luyện kỹ năng, sức khỏe tốt thì khi được đưa vào dự bị động viên, cần thiết thì anh em này được đưa vào phục vụ tác chiến được ngay, chất lượng dự bị động viên được nâng lên”- Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng, nếu thời gian nhập ngũ là 24 tháng thì một năm chỉ tuyển quân một lần, ra quân một lần nên đỡ chi phí tốn kém, công sức của chính quyền địa phương các cấp. Qua nghiên cứu quốc tế, Bộ Quốc phòng cũng thấy đa số các nước quy định nghĩa vụ quân sự từ 2-3 năm, có nước 21 tháng thì mới đủ thời gian rèn luyện sẵn sàng chiến đấu trong quân đội.
Đại tướng Phùng Quang Thanh tặng hoa động viên thanh niên lên đường nhập ngũ (Ảnh tư liệu)
“Cán bộ công chức, viên chức phục vụ tại các cơ quan tổ chức không được miễn nghĩa vụ quân sự, nhưng trong quá trình tuyển quân vừa qua không tuyển số anh em này và chắc chắn thời gian tới sẽ phải cân nhắc lại. Từ năm sau nên tuyển, phải tuyển cán bộ là công chức, viên chức, đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp vào phục vụ trong quân đội thì rất tốt, chất lượng quân đội sẽ nâng lên ngay. Nếu một số đồng chí sau này tự nguyện sẽ được phục vụ lâu dài trong quân đội. Hơn nữa, điều này sẽ bảo công bằng hơn, tránh để như hiện nay số nhập ngũ có tới 90% con em nông dân, còn số có điều kiện học hành cơ bản, làm cán bộ công chức trong hệ thống chính trị gần như không tuyển nên không công bằng lắm” - Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.
Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định những công dân được rèn luyện 2 năm trong quân ngũ khi trở về sẽ phục vụ xã hội tốt hơn. Tuy nhiên không thể đưa tất cả những thanh niên trong độ tuổi, đủ điều kiện vào quân đội được, bởi vấn đề này liên quan đến kinh phí và trong điều kiện hiện nay ngân sách không thể đảm bảo được. “Chúng tôi đang tính toán xem có hình thức gì để xử lý việc này, bởi anh em trong lực lượng cơ yếu, dân quân tự vệ, hạ sĩ quan dự bị, thanh niên xung phong, cán bộ công chức viên chức làm việc ở vùng sâu vùng xa thì cũng đã làm việc trong quốc phòng toàn dân rồi, nên sẽ được chúng tôi nghiên cứu thêm” - Bộ trưởng nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng chỉ miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với người không đủ sức khỏe, bị tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm. “Kể cả học đại học chính quy thì học xong cũng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Một dân tộc sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, tự vệ thì công dân phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đọc nhiều truyện, xem nhiều phim, chúng ta thấy lính ta sau khi tuyển đưa ngay vào sư đoàn, tiểu đội, bò chưa biết bò, súng chưa biết bắn nên sau đó chết hàng loạt. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự, còn làm cách nào thì do luật. Cứ 18, 19, 20 tuổi thì đi nghĩa vụ quân sự rồi về học đại học, học nghề hoặc đi học ở nước ngoài” - Chủ tịch Quốc hội nói.