Sẽ truy tố người “chạy” công chức?
Theo luật sư, nếu đúng là có việc "chạy" 100 triệu, người nhận tiền sẽ bị truy tố về tội nhận hối lộ. Người "chạy" tiền cũng sẽ bị truy tố về tội đưa hối lộ với mức án từ 13 đến 20 năm tù.
Trao đổi với PV chiều 25/12, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ đã phối hợp với UBND Hà Nội lập ba tổ công tác kiểm tra việc thi tuyển công chức tại 3 quận, huyện của Hà Nội. Việc này bắt nguồn từ phát biểu của ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội tại kỳ họp HĐND TP. lần thứ 6 vừa qua.
Theo ông Trần Anh Tuấn, sở dĩ mới chỉ kiểm tra 3 quận, huyện bởi theo thông tin ông Trần Trọng Dực cung cấp là có 3 quận huyện có dấu hiệu tiêu cực. Ông Tuấn cho hay, nếu phát hiện các trường hợp tiêu cực, cả người nhận tiền và chạy tiền sẽ bị xử lý theo pháp luật. Dự kiến, sẽ có kết quả kiểm tra của các tổ công tác vào đầu tuần sau.
Theo luật sư Triệu Trung Dũng, Trưởng Văn phòng Luật sư Triệu Dũng và Cộng sự, nếu đoàn công tác của Bộ Nội vụ phát hiện ra đúng là có việc "chạy" 100 triệu thì người nhận tiền sẽ bị truy tố về tội nhận hối lộ theo quy định tại điểm a khoản 3 điều 279 BLHS đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Mức án từ 15 năm đến 20 năm tù. Người "chạy" tiền sẽ bị truy tố về tội đưa hối lộ theo quy định tại điểm a khoản 3 điều 289 BLHS đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 với mức án từ 13 năm đến 20 năm tù.
Trao đổi với chúng tôi, một vị nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, muốn xử lý hết ngay cũng rất khó. Việc xử lý riêng lẻ từng trường hợp cũng chưa hẳn là biện pháp tối ưu. Bộ Nội vụ cần nắm rõ hơn về thực trạng chạy công chức, tìm ra nguyên nhân rồi xử lý ở tầm chính sách vĩ mô, có tính hệ thống.
Phát biểu tại HĐND TP Hà Nội ngày 7/12, ông Trần Trọng Dực cho biết phải mất 100 triệu đồng mới đỗ công chức
Cũng theo vị nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, để tìm ra được những vụ việc cụ thể không đơn giản. Bởi chẳng ai dại gì mà nhận mình mất tiền chạy việc để rồi mất tiền, mất việc. Là một công chức, ông cũng thấy rất buồn và xấu hổ với dân vì những thông tin tiêu cực trong ngành mà báo chí nêu vừa qua.
Ông Nguyễn Hữu Khiển - nguyên Phó giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia có quan điểm khác với vị nguyên lãnh đạo Bộ Nội vụ trên. Theo ông Khiển, khi bị tổ kiểm tra của Bộ Nội vụ phát hiện, người “chạy” công chức sẽ không có “điều kiện” để ở lại. Thí sinh coi như vừa mất tiền, vừa mất cơ hội.
Bất kỳ một cuộc thi nào cũng phải công bằng, khách quan, không được tiêu cực. Mặc dù biết rằng người mất tiền “chạy” việc cũng là bất đắc dĩ, nhưng trong kỳ thi không có chuyện tình cảm. Ông Khiển lấy ví dụ: “Trong một kỳ thi có 10 người, lấy 4 người. Trong số 4 người đỗ kia có người “chạy” để đỗ, nay bị phát hiện, không bị xử lý, 6 người trượt kia làm sao họ để yên?!”.
Theo ông Khiển, cần loại ngay người gian lận và kỳ thi sau họ cũng không được phép dự tuyển. “Không thể nói là năm ngoái tôi tiêu cực, năm nay cho tôi thi tiếp”, ông Khiển nói.
Trước đó, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, ngày 21/12, Bộ Nội vụ có công văn gửi UBND TP Hà Nội. Nội dung công văn đề nghị Hà Nội báo cáo về công tác tuyển dụng công chức và thông tin ông Trần Trọng Dực nêu. Ông Tuấn cũng cho biết, công văn đề nghị UBND TP Hà Nội trả lời trước ngày 25/12. Tuy nhiên, chiều qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trả lời PV rằng, vẫn chưa có báo cáo từ UBND TP Hà Nội.
Tại kỳ họp thứ 6, HĐND TP. Hà Nội, đại biểu Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội phát biểu về tiêu cực trong thi tuyển công chức Hà Nội. Ông Dực cho biết: “Có đơn vị thi tuyển công chức nảy sinh hiện tượng “chạy” để được đỗ. Bây giờ người ta nói rằng dưới 100 triệu không đỗ đâu”. Ngày 17/12, phát biểu tại lễ công bố Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) tại Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP. Hà Nội phải tiến hành thanh tra, kiểm tra thông tin “chạy công chức 100 triệu”. |