Sẽ thay thế cầu Cát Lái bằng 2 cây cầu khác
TP.HCM đang nghiên cứu xây dựng hai cây cầu bắc qua sông Đồng Nai về hướng quận 7 và TP Thủ Đức để thay thế cho phương án cầu Cát Lái đã quy hoạch trước đó.
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức buổi họp về phương án quy hoạch kết nối giữa TP.HCM và Đồng Nai. Hiện TP.HCM cũng đã phối hợp với các đơn vị để nghiên cứu, quy hoạch cầu kết nối giữa hai địa phương để tiến tới việc nghiên cứu, bổ sung quy hoạch.
Hướng tuyến cầu Cát Lái cũ không khả thi
Sở GTVT TP nhận định với 40 km đường sông, tiếp giáp giữa hai địa phương từ cầu Đồng Nai tới cầu Phước Khánh (quận 7) đang và sẽ có năm cây cầu gồm Đồng Nai, Long Thành, Nhơn Trạch, Cát Lái (chưa thực hiện) và Phước Khánh.
Vị trí hai cây cầu mới thay thế cầu Cát Lái. Đồ họa: HỒ TRANG
Theo Sở GTVT TP, hướng xây dựng cầu Cát Lái mà Bộ GTVT đã đề xuất bổ sung quy hoạch cầu kết nối giữa hai địa phương, khi cầu được xây dựng cần điều chỉnh quy hoạch lộ giới đường Nguyễn Thị Định từ 60 m lên 77 m. Quá trình triển khai dự án sẽ có nguy cơ ùn tắc giao thông trên tuyến, tác động tiêu cực đến hoạt động khai thác cảng Cát Lái.
Bên cạnh đó, tuyến đường vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch vừa được khởi công sẽ dự kiến nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - vành đai 3. Khi đó, quy mô cầu có thể xem xét điều chỉnh giảm. Đồng thời, trường hợp cầu kết nối huyện Nhơn Trạch được đầu tư sau khi có tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - vành đai 3 sẽ hạn chế ảnh hưởng đến giao thông khu vực nút giao Mỹ Thủy và đường Nguyễn Thị Định.
Ngoài ra, hướng tuyến cầu kết nối huyện Nhơn Trạch theo phương án vị trí phà Cát Lái cách cầu cảng hiện hữu của cảng Cát Lái khoảng 100 m. Do đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cảng không đảm bảo an toàn cho công tác quay tàu, cập tàu khi ra vào cảng.
Do đó, Sở GTVT TP cho rằng phương án cầu vị trí phà Cát Lái không đảm bảo tính khả thi để thực hiện, cần thiết phải nghiên cứu bổ sung phương án cầu kết nối TP.HCM - Đồng Nai để thay thế.
Hai cây cầu thay thế
Sở GTVT TP cho biết hiện các đơn vị liên quan đã đề xuất phương án xây hai cầu mới bắc qua sông Đồng Nai thay cho phương án xây cầu Cát Lái đã quy hoạch trước đó.
Thứ nhất là một cây cầu kết nối khu Nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch. Qua rà soát, Sở GTVT TP cho biết cây cầu này được đề xuất có hai vị trí bắc qua sông Đồng Nai. Tuy nhiên, qua cân nhắc, các đơn vị đề xuất chọn vị trí thứ hai. Ở vị trí này, điểm đầu tuyến nằm trên đường trục Bắc - Nam, tuyến đi về phía đông, trùng với đường Hoàng Quốc Việt và vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch.
Vị trí thứ hai sẽ khắc phục những tồn đọng của vị trí đầu, đặc biệt còn tạo ra một trục giao thông mới, song song với cầu Phú Mỹ. Từ đó, giúp chia sẻ áp lực giao thông với cầu Phú Mỹ hiện hữu, tạo ra một trục giao thông kết nối với các tuyến đường trên cao số 1, 2, 3, các trục chính như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng với tỉnh lộ 25C của tỉnh Đồng Nai. Đồng thời tạo điều kiện kết nối hai đô thị và hai sân bay là Tân Sơn Nhất và Long Thành. Từ đó, sẽ tạo ra trục kết nối liên vùng tạo động lực phát triển khu Nam TP.
Đối với phương án hướng cầu kết nối khu Nam TP sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Đồng thời, tăng hiệu quả kết nối với hai địa phương, hai đô thị. Đặc biệt, dự án này sẽ thuận lợi hơn bởi công tác giải phóng mặt bằng cũng có nhiều thuận lợi. Ông LƯƠNG MINH PHÚC, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP |
Mặt khác, phương án này sẽ phù hợp với định hướng xây dựng tuyến kết nối từ đường Nguyễn Hữu Thọ, vượt sông Sài Gòn, đi dọc đường tỉnh 25C để kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Đặc biệt, hướng tuyến này sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, do một phần đường dẫn phía TP.HCM sẽ đi qua khu vực đất trống.
Thứ hai, là cây cầu kết nối từ TP Thủ Đức với xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai (theo hướng quy hoạch ĐT.777B. Trong đó, các đơn vị đề nghị nghiên cứu kỹ phương án 2 và phương án 3 (trong bốn phương án nghiên cứu).
Cụ thể, phương án 2 có tuyến đường liên vùng kết nối trực tiếp vào nút giao Gò Công, tạo thành ngã tư thuận lợi cho việc kết nối liên vùng giữa TP.HCM - Đồng Nai. Tuy nhiên, cần nghiên cứu điều chỉnh phương án nút giao thông phù hợp và bốn đồ án quy hoạch để đảm bảo kết nối thuận lợi. Phương án 3 là tuyến đường liên vùng không kết nối trực tiếp với đường vành đai 3 sau khi vượt sông Tắc và sẽ giao cắt với đường song hành vành đai 3.
Sở GTVT TP cho biết việc bổ sung quy hoạch hai cầu trên và cùng với bốn cây cầu theo quy hoạch đã và đang được xây dựng (gồm các cầu Đồng Nai, Long Thành, Nhơn Trạch và Phước Khánh) sẽ tăng cường kết nối vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương.•
Sẽ lấy ý kiến góp ý của nhiều sở, ngành Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở QH-KT, Sở TN&MT cùng UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tiến hành rà soát quy hoạch đô thị, tình hình thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông… Từ đó, nghiên cứu có ý kiến cụ thể đối với việc bổ sung quy hoạch hai cầu trên. Sở GTVT TP cho biết việc bổ sung phương án quy hoạch hai vị trí cầu kết nối giao thông TP.HCM với tỉnh Đồng Nai là cầu có tính chất kết nối liên vùng và quy mô cầu thuộc đối tượng phải trình Bộ GTVT. Sau khi tổng hợp ý kiến góp ý của các sở, ngành, Sở GTVT sẽ tham mưu UBND TP lấy ý kiến của Bộ GTVT làm cơ sở chuẩn bị nội dung làm việc giữa hai địa phương. |
Nguồn: [Link nguồn]
Cứ 4.000 đồng/lượt xe máy, 6.000 đồng/lượt xe máy chở theo người lớn, tay của các nhân phà Cát Lái lia lịa thu tiền nhưng không phát thẻ từ.