Sẽ rút giấy phép công trường gây ùn tắc
Sở GTVT Hà Nội vừa công bố 21 công trường gây ùn tắc giao thông những ngày qua. Cùng với công bố danh sách, Sở GTVT cảnh báo 21 chủ công trường này nếu không có biện pháp chấn chỉnh sẽ bị rút giấy phép thi công.
Lòng đường Nguyễn Trãi bị thu hẹp bởi công trình hầm chui Thanh Xuân, khiến sáng 14/9 tại đây vẫn xảy ra ùn tắc. Ảnh: Anh Trọng.
Lòng đường từ 20 mét còn 5 mét
Theo danh sách khảo sát và vừa được Sở GTVT Hà Nội công bố, trên địa bàn Hà Nội hiện có 21 công trường rào chắn gây ùn tắc giao thông. 21 công trường này đều là các “siêu” dự án giao thông đang triển khai lâu nay trên địa bàn.
Trong đó có các dự án như: Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ GTVT làm chủ đầu tư); Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư); hầm chui Thanh Xuân, hầm chui Trung Hòa (Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT làm chủ đầu tư); dự án xe buýt nhanh - BRT (Ban Quản lý dự án đầu tư Phát triển giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội); dự án đường vành đai 2, đoạn Trường Chinh (Ban Quản lý dự án Trọng điểm, UBND thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư); dư án nút giao trung tâm Long Biên (Ban Quản lý dự án Hạ tầng Tả ngạn làm chủ đầu tư)…
“Từ đầu tuần này liên ngành Thanh tra giao thông và CSGT có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra việc thực hiện trên, nếu phát hiện công trường, chủ đầu tư nào không chấn chỉnh việc thi công, tiếp tục làm ảnh hưởng đến giao thông lực lượng trên có nhiệm vụ đề xuất để Sở GTVT rút giấy phép”. Đại diện Sở GTVT Hà Nội |
Tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay, hiện có ba hàng rào công trường gây ùn tắc, gồm nhà ga bến xe Hà Đông cũ (đường Nguyễn Trãi - Trần Phú, Hà Đông); nhà ga Láng (đường Láng, Đống Đa); nhà ga La Thành (phố Hoàng Cầu, Đống Đa). Đánh giá về diện tích lòng đường đi qua các công trường này, đại diện Sở GTVT cho rằng, hiện mặt đường ở đây chỉ còn 5 đến 7 m.
“Riêng mặt đường Nguyễn Trãi - Hà Đông có mặt cắt ngang khoảng 20m mỗi chiều nhưng hiện nay đoạn đi qua nhà ga bến xe Hà Đông cũ theo hướng Hà Đông - Ngã Tư Sở chỉ còn lại 5m”, đại diện Sở GTVT nói.
Với dự án hầm chui Thanh Xuân, Sở GTVT cho rằng, hàng rào dự án này đang chồng lấn với dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Do vậy, phạm vi hàng rào lấn đường tại đây kéo dài khoảng 500 m. Đối với dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, hiện đang có 5 hàng rào của 5 công trường gây ùn tắc giao thông do lòng đường bị hẹp chỉ còn 4 đến 8 m; gồm: nhà ga số 4 (Cầu Diễn); nút giao Mai Dịch, nút giao Xuân Thủy - Trần Thái Tông, nhà ga số 6 (ĐH Quốc gia), nhà ga số 7 (đường Cầu Giấy).
Thu hồi rào chắn thi công chậm
Cùng với công bố danh sách, Sở GTVT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị thi công tại 21 công trường này phải thực hiện ngay một số giải pháp.
Cụ thể, tại ba công trường đã được nêu của dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông, cả chủ đầu tư và nhà thầu phải bố trí lực lượng túc trực hướng dẫn giao thông 24/24h; với công trường tại ga bến xe Hà Đông cũ phải mở thêm một làn đường cho phương tiện lưu thông vào giờ cao điểm.
Tại công trường hầm chui Thanh Xuân, Sở GTVT yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tường chắn nhằm thu hẹp rào chắn lại; trong tháng 10/2015 phải hoàn thành việc nâng cấp đường hai bên.
Tại dự án xe buýt nhanh BRT, Sở GTVT yêu cầu, trong tháng 9/2015 chủ công trình phải hoàn thành nút giao Tố Hữu - Trung Văn để giảm ùn tắc. Đối với dự án đường vành đai 2, đoạn Trường Chinh, chủ đầu tư - Ban quản lý dự án trọng điểm cần đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để phục vụ giao thông, riêng đoạn cầu Phương Liệt, liên ngành thực hiện nghiêm việc cấm taxi vào giờ cao điểm.
Tại các công trường thi công gây ùn tắc của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội và nhà thầu điều chỉnh lại các điểm mở dải phân cách, cải tạo lại các nút giao cắt. Đặc biệt kiểm tra lại toàn bộ hệ thống rào chắn dọc tuyến, tổ chức thu hồi các rào chắn tại các vị trí chưa thi công hoặc thi công chậm để phục vụ giao thông.