Sẽ phạt nguội hành vi xả rác qua camera

Sự kiện: Tin nóng

Sáng 5/6, tại hội nghị chuyên đề thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch - Tiếng nói của những người trong cuộc”, đại diện Sở TN&MT TP.HCM cho biết, Sở đã trình UBND TP.HCM giải pháp phạt nguội hành vi xả rác.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập nặng do lún và rác thải. Vừa qua, siêu máy bơm bị vô hiệu hóa bởi rác, xà bần gây nghẽn cống thoát nước

Đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập nặng do lún và rác thải. Vừa qua, siêu máy bơm bị vô hiệu hóa bởi rác, xà bần gây nghẽn cống thoát nước

Theo ông Cao Văn Tuấn, đại diện Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM, mỗi ngày, thành phố thải ra khoảng 9.200 tấn chất thải rắn sinh hoạt; khoảng 1.500 - 2.000 tấn chất thải công nghiệp không nguy hại; 1.500 - 1.700 tấn chất thải rắn xây dựng; 350 - 400 tấn chất thải nguy hại và 22 tấn chất thải rắn y tế nguy hại.

Phụ trách đội phản ứng nhanh của Công ty Thoát nước Đô thị, ông Uông Văn Sang cho biết, nhiều người dân có thói quen bỏ các bịch rác ngoài đường để chờ thu gom. Khi mưa, những bao rác to có thể trôi xuống cống làm tắc nghẽn và gây ngập nước. Công ty thành lập một bộ phận đi nhặt từng bao rác trên miệng hố ga để khơi thông cống nhưng làm không xuể.

Theo ông Nguyễn Thành Tuấn, Giám đốc Công ty Dịch vụ Công ích Quận 9, nhiều hố ga, cửa xả thu gom nước bị các hộ kinh doanh mặt tiền đường dùng vải bạt đậy, bịt… để ngăn mùi hôi. Mỗi khi mưa xuống, người dân không tháo ra và đây là một trong những nguyên nhân gây ngập nặng vừa qua.

Ông Trần Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Đô thị TP.HCM cho biết, công nhân duy tu dưới lòng cống phát hiện rất nhiều túi ni - lông, hộp xốp đựng thức ăn bị cuốn trôi xuống cống, gây tắc nghẽn dòng chảy thoát nước. Tại một số vị trí cống thoát nước gần các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, dầu mỡ thải đóng thành từng mảng lớn trong lòng cống, gây tắc nghẽn dòng chảy và hư hỏng các hạng mục công trình thoát nước cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh cho công nhân.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất bên cạnh việc thông tin, tuyên truyền để làm thay đổi thói quen, nhận thức của một bộ phận người dân, TP.HCM cần có các biện pháp chế tài, xử phạt các hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng, đặc biệt là xuống hố ga, kênh rạch. Theo ông Ung Văn Sang, TP.HCM cần lắp đặt camera dọc các tuyến kênh rạch và lắp đèn chiếu sáng để kiểm soát và xử phạt hành vi vứt xả rác xuống hệ thống thoát nước.

Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), ông Lê Trung Tuấn Anh, cho biết Sở đã trình UBND TP.HCM giải pháp phạt nguội hành vi xả rác qua camera. Vừa qua, Sở Tư pháp thẩm tra, xác định đúng pháp luật, có thể triển khai. “Thông qua hình ảnh ghi nhận được, chính quyền địa phương sẽ mời người dân đến cung cấp hình ảnh vi phạm và lập biên bản, xử lý vi phạm”, ông Tuấn Anh cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, cuộc vận động người dân không xả rác đã có tác động tích cực đến ý thức, hành vi của người dân. Tuy nhiên, tình trạng xả rác vẫn còn diễn biến phức tạp do cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thật sự quan tâm, đặc biệt là thiếu biện pháp chế tài hành vi xả rác.

Vớt rác không xuể

Tại hội nghị, anh Ngô Chí Hùng (công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM) kể: “Chúng tôi nhiều lần bị bỏng vì nước cống có hóa chất. Anh em công nhân đạp trúng mảnh chai, sắt thép nhọn người dân vứt xuống cống. Có nơi vừa thu gom rác hôm trước, hôm sau quay lại thì rác đã tràn ngập trong lòng cống”.

Anh Hải (Đội trưởng Đội vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) kể, công việc hằng ngày của các công nhân là từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều, có hôm rác nhiều quá, họ phải làm việc đến 6 giờ tối.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Thịnh ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN