Sẽ lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng
Cùng với việc thông qua quy trình lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm ở QH, sắp tới có nghị quyết của Đảng về lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng và nghị quyết này cũng sẽ có hiệu lực từ năm tới để thực hiện đồng bộ, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu chia sẻ bên hành lang QH ngày 27/10.
Thưa ông, hiện đang có một số quan điểm cho rằng đối tượng đưa lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội như nêu trong đề án là quá rộng, ông thấy sao?
Tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 đã nói rồi, Hiến pháp và pháp luật hiện nay cũng đã quy định rồi, tất cả các chức danh do QH bầu và phê chuẩn đều phải lấy phiếu tín nhiệm chứ có loại trừ ai đâu.
Nếu như người nào đó có vấn đề thì sẽ đưa ra để bỏ phiếu.
Việc lấy phiếu tín nhiệm thì chỉ xem như là sự thăm dò, đánh giá của dư luận về mức độ tín nhiệm của những người do QH bầu hoặc phê chuẩn.
Khoanh lại tất cả các chức danh QH bầu thì tính ra hơn 400 người. Tất nhiên rất nhiều ý kiến đang lo ngại là ở một kỳ họp như thế, lấy phiếu rộng như thế không cẩn thận là dàn trải, hình thức, không tập trung được vào các chức danh có vị trí chủ chốt. Những vị trí mà đã có những quy định rõ ràng trong pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của họ.
Cho nên bây giờ trong dự thảo tờ trình mới đưa ra hai phương án. QH sẽ chỉ tập trung vào 49 nhân sự chủ chốt thôi, còn nữa là ủy quyền lại cho Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH tiến hành.
Nếu tiến hành lấy phiếu hàng năm ở QH cũng e là quá nhiều việc, vậy theo ông phải chăng chỉ nên đưa ra QH ở khâu bỏ phiếu?
Bỏ phiếu tín nhiệm trong thể chế của ta về thực chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tức là những người có chuyện này chuyện nọ, dư luận không đồng tình, cử tri phản đối và các đại biểu Quốc hội hoặc các ủy ban của QH, Thường vụ QH thấy rằng người đó cần phải được QH bỏ phiếu tín nhiệm, tức là bỏ phiếu bất tín nhiệm rồi.
Kinh nghiệm các nước có đưa ra quy trình lấy phiếu tín nhiệm như cách làm của ta không, thưa ông?
Ở các nước đề án lấy phiếu tín nhiệm do nhiều tổ chức khác nhau tiến hành, tùy tình hình mà làm. Có khi một tổ chức phi xã hội cũng có thể lấy thăm dò dư luận về ông A, ông B nào đó, chứ đâu phải chỉ có nhà nước. Nhưng hễ đã đưa ra trước toàn thể QH là theo tinh thần bất tín nhiệm.
Lãnh đạo QH đã cân nhắc thế nào về sự phối hợp với cơ quan làm công tác nhân sự của Đảng nếu trong trường hợp phải đưa ai đó ra QH để bỏ phiếu tín nhiệm?
Hiện nay đang giao cho Ban Tổ chức Trung ương xây dựng một đề án lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh trong Đảng và các chức danh khác không thuộc phạm vi đối tượng của đề án.
Do đó, không phải chỉ dừng lại ở Nghị quyết của QH lần này đâu mà tới đây còn có nghị quyết của Đảng về lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng nữa, và nghị quyết này cũng sẽ có hiệu lực từ năm tới để cùng thực hiện đồng bộ.
Thưa ông, kết quả lấy phiếu thăm dò tín nhiệm chỉ công khai trong nội bộ hay sẽ thông tin cho toàn dân biết?
Trong nghị quyết nói sẽ công khai chỉ số tín nhiệm. Tôi nghĩ rằng đã công khai trong QH thì phải công khai cả trên phương tiện thông tin đại chúng nữa chứ, vì để cho dân biết mà. Lúc đó mới có cơ sở để thực thi bỏ phiếu tín nhiệm.