Sẽ kiểm tra chặt giấy tờ tùy thân của người đi tàu dịp Tết

Ngành đường sắt sẽ tăng cường nhân viên kiểm tra, giám sát an ninh trật tự trên tàu, dưới ga trong dịp Tết Bính Thân. Đặc biệt, nhân viên sẽ kiểm tra giấy tờ tùy thân của hành khách trước khi lên tàu...

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt cho hay, dịp Tết Bính Thân 2016, đơn vị sẽ tăng cường thêm nhân viên kết hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an ninh trật tự khu ga tàu, trên tàu trong và sau Tết.

Đặc biệt, từ ngày  29.1.2016 (tức 20.12 Âm lịch) đến 23.2 (16.1 Âm lịch), nhân viên soát vé sẽ kiểm tra giấy tờ tùy thân của hành khách (có thể là chứng minh thư, giấy phép lái xe hoặc một giấy tờ nào đó có ảnh…) tại cửa soát vé trước khi hành khách lên tàu.

Sẽ kiểm tra chặt giấy tờ tùy thân của người đi tàu dịp Tết - 1

 Hành khách sẽ bị kiểm tra giấy tờ tùy thân khi đi tàu dịp Tết

“Việc kiểm tra thông tin cá nhân của hành khách trước khi lên tàu nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi cho hành khách, tránh tình trạng “cò vé”, thu mua vé rồi bán ra với giá cao”, ông Hoạch nói.

Ông Hoạch cho hay, trước đây, khi hành khách mua vé, trên vé chỉ in số chứng minh thư của người mua vé, nhân viên soát vé không kiểm tra thông tin cá nhân của hành khách trước khi lên tàu.

Tuy nhiên, từ năm 2014, khi triển khai hệ thống bán vé tàu điện tử, thông tin tên tuổi của khách hàng được ghi thêm trên vé. Nhân viên soát vé thường xuyên kiểm tra thông tin cá nhân của hành khách khi lên tàu trong dịp Tết.

Trước Tết, tại các ga có lượng khách lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Lào Cai, Hải Phòng, Gia Lâm, Vinh, Huế, Đồng Hới, Nha Trang... đều được lắp đặt ki-ốt tra cứu thông tin hành khách, giờ tàu, giá vé để khách tự tra cứu và in vé lên tàu, giảm thời gian chờ đợi, xếp hàng tại các cửa vào ngày cao điểm.

Từ ngày 1.10.2015, Tổng Công ty Đường sắt Việt triển khai bán vé tàu tết qua mạng thông qua các website www.dsvn.vn, vietnamrailway.vn và vetau.com.vn và các điểm bán vé.

Thời gian phục vụ tết được tính một tháng, từ ngày 25.1.2016 đến hết 25.2.2016. Trong dịp này, ngành đường sắt vẫn chạy thường xuyên 5 đôi tàu khách Thống Nhất chính gồm: SE1/2; SE3/4; SE5/6; SE7/8; TN1/2 (hoặc tàu TN17/18).

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam  thông tin thêm, từ ngày 12.1.2016 đến hết ngày 19.1, hành khách có nhu cầu trả vé sẽ được khấu trừ 5% theo đúng quy định quản lý vé tàu điện tử. Mỗi hành khách chỉ được phép trả tối đa 4 vé. Người trả vé phải có giấy tờ tùy thân hợp lệ trùng với thông tin của người mua vé hoặc thông tin của người đi tàu và có đầy đủ giấy tờ hợp lệ của các vé trả.

Dự án bán vé điện tử qua mạng được triển khai trong 7 năm, chia làm 03 giai đoạn với tổng chi phí đầu tư là 197 tỷ đồng.  Giai đoạn 1 xây dựng, lắp đặt hệ thống, kéo dài trong 120 ngày; giai đoạn 2 bắt đầu cung cấp hệ thống bán vé điện tử qua website tuyến đường sắt Thống nhất trong 1 năm, bắt đầu từ ngày 21.11.2014.

Giai đoạn 3 sẽ cung cấp hệ thống bán vé điện tử hoàn chỉnh, bắt đầu từ ngày 21.11.2015 với thời hạn 6 năm. Hệ thống hoàn chỉnh sẽ được áp dụng tại tất cả các ga thuộc đường sắt quốc gia trên toàn quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN