Sẽ giảm thời gian đóng bảo hiểm hưởng lương hưu xuống 15 năm
Luật BHXH (sửa đổi) sẽ đề xuất giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, cấm hành vi mua bán sổ BHXH dưới mọi hình thức…
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Trong đó có phần giải trình của Bộ LĐ-TB&XH liên quan đến chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với tình trạng mua bán sổ BHXH và giải pháp giảm tỉ lệ nhận BHXH một lần.
Lần sửa Luật BHXH này có nhiều điểm đáng chú ý, đặc biệt là quy định giảm thời gian tham gia BHXH hưởng lương hưu. Ảnh: VIẾT LONG
Nghiêm cấm hành vi mua bán sổ BHXH dưới mọi hình thức
Bộ LĐ-TB&XH cho biết theo quy định tại khoản 6 Điều 18 Luật BHXH thì người lao động (NLĐ) có quyền: “Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH”. Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho NLĐ trong tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH và hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật về quyền công dân.
Tuy nhiên, một số NLĐ nhận thức chưa đầy đủ nên các đối tượng xấu đã lợi dụng quy định trên để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo NLĐ thực hiện việc mua bán sổ BHXH với giá rẻ, kèm theo giấy ủy quyền nhận trợ cấp BHXH. Sau đó, những đối tượng này làm thủ tục thanh toán với cơ quan BHXH và hưởng chênh lệch.
Trước thực trạng nêu trên, Chính phủ đã giao Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TT&TT, BHXH Việt Nam và UBND các tỉnh, thành kịp thời cảnh báo, xử lý nghiêm các hành vi mua gom sổ BHXH, siết chặt quy trình chi trả để ngăn chặn các đối tượng trục lợi.
Trình Luật BHXH (sửa đổi) vào năm sau Bộ LĐ-TB&XH cho biết dự kiến Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được trình Chính phủ, Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh vào năm 2023. Để đáp ứng thời gian trên, từ tháng 5 đến tháng 12 năm nay, Bộ LĐ-TB&XH sẽ lấy ý kiến rộng rãi và nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật. |
Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ, Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), trong đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế hưởng BHXH một lần. Với mục đích tăng tính hấp dẫn, thu hút NLĐ tham gia BHXH để hưởng lương hưu.
Cụ thể, dự luật BHXH sẽ đề xuất giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; bổ sung các quyền lợi, nhất là các quyền lợi ngắn hạn để gia tăng sự hấp dẫn, tạo động lực cho NLĐ tham gia BHXH.
Ngoài ra, để ngăn chặn và xử lý hành vi thu mua sổ BHXH, trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH còn đề xuất bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đối với hành vi mua bán sổ BHXH dưới mọi hình thức.
Lương hưu phải đủ sống
Theo Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), lần sửa Luật BHXH này có nhiều điểm đáng chú ý, đặc biệt là quy định giảm thời gian tham gia BHXH hưởng lương hưu.
Luật BHXH hiện hành quy định điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Trong khi đó, hiện nay nhiều nước quy định thời gian tham gia BHXH 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, mặc dù mức lương hưu có thể thấp nhưng vẫn tốt hơn là chuyển sang hưởng trợ cấp tuổi già hay lương hưu xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo...
Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đang tính toán đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, với mức hưởng được tính toán phù hợp.
Về đề xuất trên, Bộ Tư pháp (cơ quan thẩm tra dự luật trước khi trình Chính phủ) cho rằng giải pháp này sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, phù hợp với tinh thần, mục tiêu mà Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về các chính sách BHXH.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng nếu đóng với thời gian ngắn, mức lương hưu NLĐ nhận được thấp, có thể không đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ khi nghỉ hưu và có thể dẫn đến nguy cơ phải điều chỉnh lương hưu đối với người có lương hưu thấp trong tương lai, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Nên cần phân tích kỹ các tác động chính sách, nhất là tác động về kinh tế - xã hội.
Hướng tới hưu trí đa tầng Việc rút thời gian tham gia BHXH của NLĐ xuống còn 10-15 năm nhưng tuổi hưu vẫn ở mức 60 đối với nữ và 62 đối với nam thì không khả thi. Tôi ví dụ, một lao động nữ mất việc ở tuổi 45 và có 15 năm đóng BHXH, nếu muốn nhận lương hưu họ phải chờ 15 năm nữa, tức phải đủ 60 tuổi. Trong khi NLĐ rất cần tiền thì liệu họ có ở lại với quỹ để chờ mức lương hưu thấp không. Giải pháp này của Bộ LĐ-TB&XH có hạn chế được NLĐ rút BHXH một lần không? Tôi cho là không. Bộ LĐ-TB&XH nên tiếp cận vấn đề theo Nghị quyết 28, hướng tới hưu trí đa tầng, bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội; BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung. Trong đó, bộ phải nghiên cứu tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung để làm sao khi về hưu, NLĐ có mức lương hưu đảm bảo mức sống tối thiểu. Một chuyên gia về an sinh xã hội Việt Nam |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với BHXH Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp...
Nguồn: [Link nguồn]