Say rượu giúp tăng khả năng sống sót khi tai nạn
Say rượu, thậm chí là say nhẹ, có liên quan tới sự gia tăng nguy cơ tai nạn. Tuy nhiên, một khi chấn thương đã xảy ra, với những người có dấu hiệu của cồn trong máu, khả năng sống sót lúc nhập viện cao hơn hẳn những người khác.
Đó là kết quả được rút ra từ nghiên cứu của nhóm tác giả trường Đại học Illinois, Chicago (UIC). “Sau khi bị thương, nếu bạn đang trong tình trạng say rượu thì đây sẽ là yếu tố khá đáng kể giúp bảo vệ tính mạng của bạn”, Lee Friedman, nhà dịch tễ học về chấn thương UIC cho biết.
Friedman đã tiến hành phân tích dữ liệu trên 190.612 bệnh nhân điều trị tại các trung tâm chấn thương ở Illinois từ năm 1995 đến năm 2009. Tất cả đều được xét nghiệm để đo nồng độ cồn trong máu, dao động từ 0 đến 0,5% tại thời điểm họ được tiếp nhận. Sau đó, Friedman chia dữ liệu thành nhiều nhóm nhỏ, phân loại theo mức độ nghiêm trọng và loại chấn thương.
Ông thấy rằng ngoại trừ những chấn thương do bỏng, tỷ lệ tử vong ở nhiều loại chấn thương khác đều giảm dần khi liều lượng rượu trong máu của nạn nhân tăng dần. “Ở giới hạn cao nhất, tỷ lệ tử vong giảm tới gần 50%”, Friedman nói. Tuy nhiên, hiệu ứng này không giống nhau ở các chấn thương khác nhau, theo đó tác dụng lớn nhất thuộc về thương tích do bị đâm hay bị súng bắn.
Giải thích cho việc cùng chịu một chấn thương như nhau nhưng những người tỉnh táo có nguy cơ tử vong cao hơn, Friedman nói: “Bạn có thể không chết vì thương tích mà chết vì phản ứng sinh lý sau đó như viêm và mất nước nhanh chóng”. Đây là khi cơ thể bắt đầu đi vào chế độ duy trì khẩn cấp và chính sự hoảng loạn, trớ trêu thay, mới là yếu tố càng đẩy nhanh đến cái chết. Với những người đang trong tình trạng say rượu, điều này giảm đáng kể.
Tuy nhiên, Friedman lưu ý rằng nếu khả năng tử vong trước khi nhập viện của các nạn nhân say rượu cao hơn những người tỉnh táo, dữ liệu mẫu có thể sẽ bị sai lệch.
Ngoài ra, “nghiên cứu không có nghĩa là khuyến khích mọi người uống rượu. Nếu cơ chế đằng sau tác dụng bảo vệ này được hiểu rõ thì chúng ta có thể điều trị cho những bệnh nhân sau chấn thương, hoặc tại nơi họ bị thương hay khi họ đến bệnh viện, bằng các loại thuốc giống rượu”, Lee Friedman nhấn mạnh.