Sáu phụ huynh nhờ nâng điểm cho con "biến mất"
Khi điều tra có sáu phụ huynh thừa nhận “nhờ nâng điểm” nhưng đến khi truy tố thì sáu người này lại chuyển thành “nhờ xem điểm”.
Sáng 16-9, TAND tỉnh Sơn La mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án gian lận điểm thi. Vụ án có tám bị cáo là cựu cán bộ ngành giáo dục và công an cùng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Hoãn xử vì vắng nhiều người
Ngay từ sáng sớm, an ninh tại khu vực trụ sở TAND tỉnh Sơn La được siết chặt, nhiều lớp cảnh sát được bố trí nhằm kiểm soát nghiêm ngặt những người ra vào tòa. Tám bị cáo, trong đó ba người bị tạm giam, lần lượt được áp giải và có mặt tại phòng xử.
Các bị cáo gồm: Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Lò Văn Huynh (cựu trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Đặng Hữu Thủy (cựu phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng Phòng chính trị - tư tưởng), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục).
Ngoài ra còn có bị cáo Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) và Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).
Tuy nhiên, tại phần làm thủ tục, thư ký phiên tòa cho biết có tới 44/48 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt. Trong đó, 22 người có đơn xin xét xử vắng mặt, 22 người vắng mặt không lý do. Tương tự, 31/43 người làm chứng dù được tòa triệu tập nhưng đã không đến, trong đó 15 người có đơn xin xét xử vắng mặt, 16 người vắng không lý do.
Phát biểu quan điểm trước tòa, một số luật sư cho rằng cần phải triệu tập bằng được các nhân chứng của vụ án, nhất là ông Hoàng Tiến Đức (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) - một trong 18 người trung gian đưa thông tin về các thí sinh cho các bị cáo. Trong khi đó, đại diện VKS đề nghị hoãn phiên tòa vì sự vắng mặt nhiều người bao gồm cả luật sư, người làm chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Sau ít phút hội ý, chủ tọa tuyên bố hoãn xử, phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 15-10 tới đây.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 16-9. Ảnh: TP
Những câu hỏi chưa được giải đáp
Hồ sơ cho thấy vụ án này có rất nhiều chi tiết vô lý nhưng chưa tìm được câu trả lời thuyết phục. Điển hình là lời khai của các phụ huynh có con em được nâng điểm.
Theo kết luận điều tra, Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Sơn La đã triệu tập 42 người là cha mẹ hoặc người thân của các thí sinh được nâng điểm để lấy lời khai. Kết quả cho thấy sáu trường hợp thừa nhận cung cấp thông tin của thí sinh để “nhờ nâng điểm”, 21 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin của thí sinh để “nhờ xem điểm” và 15 trường hợp không thừa nhận cung cấp thông tin cho các đối tượng trung gian.
Tuy nhiên, đến cáo trạng của VKSND tỉnh Sơn La, trong số 42 phụ huynh được lấy lời khai thì 27 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin thí sinh để “nhờ xem điểm”, 15 trường hợp còn lại không thừa nhận cung cấp thông tin của thí sinh cho các đối tượng trung gian.
Như vậy, sáu phụ huynh thừa nhận chuyển thông tin của thí sinh để “nhờ nâng điểm” đã “biến mất” và chuyển thành “nhờ xem điểm”. Và điều khó hiểu là dù phủ nhận hay chỉ thừa nhận là “nhờ xem điểm”, 44 con em của họ đều được nâng điểm.
Một điểm đặc biệt mâu thuẫn khác là lời khai của một số bị cáo liên quan đến việc nhận tiền từ các đối tượng trung gian hoặc trực tiếp từ phụ huynh để can thiệp bài thi, sửa điểm. Cụ thể, bị cáo Nga khai đã nhận của ông Trần Văn Điện (cán bộ thư viện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên) 1,040 tỉ đồng. Cầm Thị Bun Sọn khai đã nhận của bà Hoàng Thị Thành (chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai) 440 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho thí sinh DHT.
Ngoài ra, Lò Văn Huynh khai nhận của ông Nguyễn Minh Khoa (cựu phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) 1 tỉ đồng, nhận của bà Lò Thị Trường (phụ huynh có con được nâng điểm) 300 triệu đồng…
Tuy các bị cáo đã khai việc nhận tiền và tự nguyện giao nộp cho CQĐT nhưng những người được cho là đưa tiền lại một mực phủ nhận. Dư luận đặt câu hỏi không lẽ các bị cáo tự khai rồi tự bỏ tiền túi để nộp cho cơ quan công an?
Cũng từ đây VKSND tỉnh Sơn La cho rằng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo về tội nhận hối lộ và cũng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp nêu trên về các tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ.
Sẽ điều tra tội đưa, nhận hối lộ? Báo cáo với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong phiên họp ngày 12-9, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao, đã nói về vụ gian lận điểm thi ở Sơn La: “Ở tỉnh điều tra một hồi thì ra tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trung ương đang định điều tra tội đưa và nhận hối lộ và sẽ còn khởi tố bổ sung bảy bị can nữa”. Theo ông Trí, vụ án trên thực tế không thuộc án Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng chỉ đạo nhưng để ở dưới địa phương không làm được. Ông Trí nói thêm: “Mới sáng nay, đồng chí Nguyễn Hòa Bình (Chánh án TAND Tối cao) cũng trăn trở nói với tôi tội đó phải là đưa, nhận hối lộ. Tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ không chính xác vì có yếu tố nhận tiền”. |
Ngày 9-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã hủy quyết định xem xét kỷ luật 13 công chức gồm các Cục trưởng, Phó cục...