Sáu lần di chuyển thi hài Bác
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh (BTL) Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chia sẻ về quá trình 50 năm giữ gìn an toàn tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 969 bên xe PAP sử dụng di chuyển thi hài Bác từ năm 1969 đến năm 1975
50 năm thực hiện Di chúc của Bác cũng là 50 năm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, thực hiện quyết nghị của Bộ Chính trị về giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nhiệm vụ đặc biệt, là nguyện vọng thiết tha của cả dân tộc. Nhiệm vụ thiêng liêng, trách nhiệm lớn lao đó được Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm nhiệm.
Khó khăn nào cũng vượt qua
Theo Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lĩnh khoa học đặc biệt chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, đây là nhiệm vụ rất khó khăn phức tạp, nhất là phải thực hiện trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, lại đang tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, khó khăn càng lớn hơn gấp bội.
“Nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay tại Tổ quốc yêu dấu của Người đã được Tổ Y tế đặc biệt, sau đó là Đoàn 69 - tiền thân của BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay triển khai thực hiện tốt ngay từ những giờ đầu, ngày đầu, tháng đầu. Đó là một thành tích mà mãi mãi chúng ta có quyền tự hào”, Chính uỷ BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói.
Trong sáu lần di chuyển thi hài Bác giai đoạn (1969-1975), với ý thức trách nhiệm chính trị rất cao, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đoàn 69 đã vượt qua mọi gian nan, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những chiến công thầm lặng của Đoàn 69 trong sáu năm đó đã để lại dấu ấn không thể nào quên, góp phần viết nên truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng, của QĐND Việt Nam anh hùng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Quốc Hoàn làm việc với chuyên gia y tế Liên Xô sau khi Bác qua đời
Thiếu tướng Kiếm chia sẻ: Sau khi đón Bác về Lăng, thực hiện nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ lâu dài thi hài Bác trong điều kiện mới. Kể từ ngày mở cửa Lăng (29/8/1975) đến nay, đơn vị phải trải qua hai giai đoạn hết sức khó khăn. Lần thứ nhất vào năm 1979, khi chiến tranh nổ ra ở biên giới phía Bắc; lần thứ hai bắt đầu từ tháng 9/1991, khi chế độ chính trị ở Liên Xô tan rã và một loạt các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ.
Hai lần biến động ấy đã tác động trực tiếp đến nhiệm vụ của BTL Bảo vệ Lăng. Lần thứ nhất, đơn vị phải tập trung triển khai công tác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thi hài Bác và Lăng của Người. Lần thứ hai, không còn nguồn viện trợ không hoàn lại của Nhà nước Xô viết, trang bị kỹ thuật, hoá chất, vật tư y tế phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác cùng với chế độ chuyên gia làm thuốc thường xuyên cho Bác không còn nữa. Đây là một khó khăn, thử thách rất lớn đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị.
Từng bước tiếp cận công nghệ bí mật
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm chia sẻ: Trước đây, Đảng, Nhà nước Liên Xô đã dành cho ta sự giúp đỡ toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Tuy nhiên, giữ gìn thi hài phục vụ thăm viếng là phát minh, công nghệ duy nhất trên thế giới, trong đó có dung dịch và bộ quần áo đặc biệt, được Nhà nước Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay) quản lý rất chặt chẽ theo quy chế bí mật quốc gia.
“Mặc dù đã sớm có chủ trương phát huy ý chí tự lực tự cường, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra gián đoạn, nhưng tình hình diễn biến rất nhanh, nhất là khi cơ quan đại diện của Liên bang Nga đưa ra những yêu cầu về sự có mặt của họ tại Việt Nam đã khiến chúng ta không tránh khỏi bị động”, Thiếu tướng Kiếm nói.
Phiên họp đầu tiên của Đảng uỷ Đoàn 969, năm 1975
Thực hiện chính sách đối ngoại đúng đắn, tình cảm trước sau như một của Đảng, Chính phủ, nhân dân và quân đội ta mà trực tiếp là cán bộ, nhân viên, chiến sĩ BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đầu năm 1992, phía Nga đã đồng ý chuyển giao số dung dịch hiện có tại Lăng cho ta. Đây là thời cơ cực kỳ quan trọng nên phải có kế hoạch tiếp nhận một cách chu đáo, tỉ mỉ, thận trọng và bảo đảm an toàn để công tác y tế không bị gián đoạn, tạo tiền đề, khả năng nghiên cứu vươn lên làm chủ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác.
Trước những vấn đề mới, BTL Bảo vệ Lăng đã có những chủ trương, biện pháp cụ thể, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đồng ý để ta đàm phán song phương, chuyển đổi cơ chế từ viện trợ không hoàn lại sang cơ chế quan hệ thương mại; trực tiếp quan hệ với các nhà khoa học và Viện nghiên cứu y sinh Matxcơva, làm tốt công tác đối ngoại, giữ mối quan hệ hữu nghị, tình nghĩa thuỷ chung…
Cán bộ, nhân viên Viện 69 (BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) nghiên cứu khoa học y tế gìn giữ thi hài Bác
Vì vậy, phía Nga đã từng bước giúp ta đào tạo đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên sâu. Thông qua các khoá học, các đề tài hợp tác nghiên cứu đã giúp đội ngũ cán bộ, nhân viên của ta từng bước nắm chắc công nghệ ướp bảo quản lâu năm về mặt sinh hoá, hình thái học, vi sinh vật, môi trường và có khả năng dự báo khoa học, chủ động đề xuất các giải pháp, hoàn thiện quy trình làm thuốc…
Cùng với đó, BTL Bảo vệ Lăng đẩy nhanh đầu tư xây dựng tiềm lực về con người, cơ sở vật chất của Viện 69 thuộc đơn vị, từng bước vươn lên tự đảm nhiệm công tác y tế thường xuyên và làm thuốc lớn trong giữ gìn thi hài Bác. Đào tạo, bổ sung cán bộ, trang thiết bị và hợp tác với các cơ sở nghiên cứu trong nước, triển khai có kết quả nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và cơ sở, đồng thời tổ chức nghiên cứu thực nghiệm.
“Đặc biệt, từ chỗ ta phụ thuộc hoàn toàn vào bạn, đến nay ta đã từng bước vươn lên làm chủ được quy trình làm thuốc thường xuyên và làm thuốc lớn thi hài Bác phục vụ lễ viếng thường xuyên và đột xuất bảo đảm an toàn tuyệt đối, tiếp tục thực hiện chủ trương phấn đấu vươn lên làm chủ vững chắc tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ”, Thiếu tướng Kiếm nói.
Đó là thông tin được lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cung cấp.