Sau 7 năm về làng, cuộc sống "người rừng" Hồ Văn Lang giờ ra sao?

Sự kiện: 24h vạn dặm

"Anh Lang đang ở trên trại nuôi trâu trên núi. Em đi bây giờ không anh sẽ dẫn em lên gặp". Anh Hồ Văn Tri, em ruột của anh Lang gặp chúng tôi phía sau nhà. Sau cái gật đầu thì anh Tri đã ngược núi để chúng tôi theo chân anh đến trại nuôi nhốt trâu của “người rừng” Lang…

Năm 2013, “người rừng” Hồ Văn Lang (51 tuổi) và người cha của mình là Hồ Văn Thanh ở xã Trà Phong, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) được gia đình và chính quyền địa phương vào tận trong rừng sâu đưa về làng. Ngày đó, Lang và cha mặc khố được bện từ cây rừng, làm nhà sống trên cây cao, sống cùng muông thú, tách biệt với thế giới loài người. Sau hơn 40 năm sống trong rừng sâu, Lang trở về làng chẳng khác một đứa bé dù khi rời rừng đã ở tuổi 44. Và sau 7 năm rời rừng, “người rừng” Hồ Văn Lang đã có những đổi thay…

Cuộc sống hiện tại của “người rừng” Hồ Văn Lang. Nguồn clip: kênh YouTube Cuộc sống diệu kỳ

Thích nuôi trâu…

Đó là một khu đất khá rộng được “người rừng” Lang rào chắn rất chắc chắn. Anh Hồ Văn Tri (em trai Lang) bảo, dãy hàng rào chắn nuôi nhốt trâu kéo dài tận vài trăm mét được buộc chặt bằng những thân lồ ô này do một tay “người rừng” Lang dựng lên. Bên trong khu đất núi được ví là “trang trại” nuôi trâu của anh Lang có 3 con trâu. Trời đã giữa trưa, anh Lang vẫn cặm cụi chặt từng trái mít cho trâu ăn.

 “Người rừng” Hồ Văn Lang trữ cỏ cho 3 con trâu của mình

 “Người rừng” Hồ Văn Lang trữ cỏ cho 3 con trâu của mình

Anh thích nuôi trâu không? Lang chẳng hiểu câu hỏi!. Anh Tri dịch lại câu hỏi của chúng tôi cho anh Lang nghe bằng tiếng đồng bào dân tộc Cor. Và rồi anh Lang nhả vội nước trầu cau đang ngậm trong miệng xuống đất, nhoẻn miệng cười, nói liên hồi vài câu bằng tiếng Cor.  “Anh Lang nói là anh rất thích nuôi trâu. Có 3 con trâu này anh bảo mừng lắm. Nhưng lo là ở trên núi này kiếm cỏ cho nó ăn khó quá, sợ trâu ốm” – Anh Tri dịch lại sang tiếng Kinh.

Lang lao động bình thường như bao người dân ở làng

Lang lao động bình thường như bao người dân ở làng

3 con trâu này là tài sản của “người rừng” Lang. Trước đây, anh Lang “sở hữu” 1 con trâu đầu tiên do một nhóm phóng viên của Đài PT-TH Quảng Ngãi tặng để anh làm kế sinh nhai. Từ con trâu đó, anh nuôi mấy năm thì bán và mua bò về nuôi. Sau khi bán 4 con bò thì anh Lang lại nhờ em trai mua lại 3 con trâu này.

Khu đất trại nuôi trâu của anh Lang

Khu đất trại nuôi trâu của anh Lang

“Hồi mới về, anh Lang không có biết nuôi trâu. Anh Lang bảo nuôi làm chi mà nuôi con này vậy. Rồi sau này, mình chỉ cho anh, dẫn anh đi cắt cỏ về cho nó ăn. Hồi bán con trâu đầu tiên thấy họ đưa lên xe rồi họ đưa lại tiền cho mình và anh Lang thấy tiền mua được rất nhiều thứ nên anh Lang hiểu được và thích nuôi trâu. Cứ sáng nào anh cũng đi lên núi tìm cỏ, lá rừng về cho 3 con trâu ăn” – anh Tri kể.

…nhưng “người rừng” không dám chăn trâu

“Người rừng” Lang đã làm một cái giàn khá cứng cáp bằng cây rừng ở ngay khu vực trại nuôi nhốt trâu. “Anh Lang mất mấy tháng trời để làm giàn và rào chắn quanh khu đất này. Lý do là dù anh rất thích nuôi trâu nhưng lại không dám chăn trâu nên anh đã nghĩ ra cách này” – anh Tri cười nói.

Không dám thả trâu chăn nên “người rừng” Lang chọn cách nuôi nhốt tại rẫy

Không dám thả trâu chăn nên “người rừng” Lang chọn cách nuôi nhốt tại rẫy

 Mỗi ngày, những lúc cho trâu ăn, anh Lang chỉ đứng một vị trí ngay giàn cao để thả cỏ, mít và các món ăn khác cho trâu. Chưa bao giờ Lang dám bước xuống khu đất nuôi nhốt trâu vì sợ.

 Phải lùa đàn trâu ra xa, chúng tôi mới “dụ” được anh bước xuống khu đất nhưng anh vội leo lên mõm đá cao trong khu đất ngồi. Ông Hồ Văn Diệu, người cùng làng với anh em “người rừng” Lang nói vui rằng: "Thấy thằng Lang nuôi trâu vui lắm. Cả cái làng này chỉ có nó là tự tay làm cái khu nuôi nhốt trâu bài bản như vầy. Thấy nó thay đổi nhiều, hòa nhập với làng cũng mừng!".

 7 năm rời rừng, Hồ Văn Lang đã có nhiều đổi thay

 7 năm rời rừng, Hồ Văn Lang đã có nhiều đổi thay

Lang chầm chậm đưa tay lôi thêm mớ cỏ bỏ xuống cho 3 chú trâu của mình. Anh Tri hỏi người anh của mình: “Về làng anh thấy có vui không? Có thích không? Có giống như hồi sống trong rừng sâu không?. Nghe những câu hỏi bằng tiếng Cor từ em trai mình, “người rừng” Lang gật gù cái đầu rồi cười nói bằng tiếng Cor. “Người rừng” Lang bảo anh thấy về làng sống rất vui. Ngày nào cũng được nuôi trâu. Ngày xưa ở trong núi chỉ toàn nghe tiếng chim thú, còn giờ về đây được nghe tiếng xe máy nổ, được gặp và nói chuyện bằng tiếng Cor với nhiều người, không muốn vào rừng sống nữa.

 “Người rừng” Hồ Văn Lang ngày mới đưa ra khỏi rừng 7 năm trước

 “Người rừng” Hồ Văn Lang ngày mới đưa ra khỏi rừng 7 năm trước

Nói dứt lời thì “người rừng” Lang đưa tay đeo gùi củi rừng phía sau lưng đứng bật lên, ra hiệu cho người em trai Hồ Văn Tri của mình về lại làng khi trời đã quá trưa….

Xem clip Cuộc sống "người rừng" Hồ Văn Lang sau 7 năm về làng tại đây.

------------------------------------

7 năm là cả một hành trình dài để Hồ Văn Lang hoàn thiện mình, bắt nhịp với cuộc sống thực tại ở làng. Và, Lang đã làm được…

Mời đọc giả đón đọc kỳ tiếp theo Khi “người rừng” Hồ Văn Lang nấu ăn vào 0h30 ngày 3/5 trên mục Tin tức trong ngày.

Nguồn: [Link nguồn]

“Người rừng“ Hồ Văn Lang muốn có vợ

Khi được hỏi có thích lấy vợ không, “người rừng“ cười toét miệng và gật đầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Như Quỳnh ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN