Sau 5 ngày xăng dầu giảm giá, phải giảm cước vận tải
Trước việc nhiều hãng vận tải chây ì, không giảm giá cước, Bộ GTVT cho biết, sẽ quy định doanh nghiệp phải giảm giá cước sau 5 ngày giá xăng dầu giảm.
Xăng dầu giảm mạnh, giá cước vận tải vẫn giảm nhỏ giọt. Ảnh: Hồng Vĩnh
Đủ lý do không giảm giá
Chiều 19/1, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Trưởng ban Giá (Sở Tài chính thành phố Hà Nội), bà Vương Thu Hằng, cho biết, hiện có 5 hãng taxi và 9 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô tuyến cố định không giảm giá cước trong lần kê khai gần nhất với lý do thời điểm xăng tăng giá trước đó, hãng không tăng giá.
Các hãng này báo cáo rằng, đợt giảm giá xăng dầu vừa qua chỉ giảm chi phí đầu vào khoảng từ 1,5-2,5%, trong khi các khoản chi phí vận hành khác lại tăng kể từ đầu năm 2016 như: tiền lương tối thiểu tăng, bảo hiểm tăng do tính thêm phụ cấp, phí đường bộ thay đổi... “Họ so sánh số giảm chi phí do xăng dầu giảm không chênh lệch đáng kể với chi phí khác kể trên, nên không giảm. Chỉ khi giá xăng tiếp tục giảm trong thời gian tới mới tính đến việc giảm giá”, bà Hằng nói. Liên quan thông tin giá xăng dầu tiếp tục giảm mạnh từ chiều 19/1, đại diện Sở Tài chính thành phố Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp vận tải đăng ký, kê khai lại.
Một lãnh đạo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, vừa cử đoàn xuống một số địa phương trọng điểm để kiểm tra công tác quản lý giá dịp Tết Nguyên đán, trong đó chú trọng các mặt hàng trong danh mục bình ổn giá và giá cước vận tải bằng ô tô. “Từ đó sẽ có biện pháp đôn đốc các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý giá trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi cho người dân”, vị này nói.
Phải giảm giá cước
Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho hay, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành các biện pháp để kiểm soát giá cước vận tải ở mọi loại hình. “Bộ GTVT đã yêu cầu ngành hàng không chia sẻ khó khăn với hành khách vì họ có lãi lớn. Đường sắt cũng đã giảm được 10-15% trong năm 2015”.
Về cước vận tải đường bộ, Thứ trưởng Thọ nói rằng: Chủ trương hiện nay là để giá cước vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, trong khi đa số các hãng vận tải giảm giá cước, một số hãng không giảm, gây bức xúc cho xã hội, nên cần áp dụng các biện pháp can thiệp. “Tới đây, cơ quan quản lý sẽ áp dụng quy định doanh nghiệp giảm giá cước sau 5 ngày xăng dầu giảm giá”, Thứ trưởng Thọ nói.
Liên quan giá cước hàng không, tân Phó Cục trưởng Cục Hàng không Phạm Văn Hảo cho biết, Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác đã báo cáo phương án giảm giá vé, bán vé rẻ. Phương án này sẽ được công bố trong những ngày tới.
Về đường sắt, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, cho hay, dù phương án giá vé của ngành đường sắt khó điều chỉnh linh hoạt theo giá xăng, nhưng từ đầu năm 2015 đến nay, giá vé đường sắt đều trên lộ trình giảm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cty Vận tải Đường sắt Hà Nội, là đầu máy, thiết bị cũ hao hụt nhiên liệu; tàu chạy rỗng nhiều vào mùa thấp điểm, nên giá vé tàu hỏa khó giảm sâu.
Cơ quan quản lý chưa làm tròn vai
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, các cơ quan quản lý về tài chính, giao thông chưa làm tròn vai của mình. Lần này, hai Bộ Tài chính, GTVT cần lập các đoàn thanh tra các doanh nghiệp lớn ở trung ương, đồng thời chỉ đạo các sở thanh tra các đơn vị lớn ở địa phương. Đây là việc không khó. Sau thanh tra mà không xử lý được doanh nghiệp nào thì chỉ có thể do năng lực hạn chế. “Giao cho anh chức năng, nhiệm vụ, nhưng anh vẫn bó tay trước việc buộc giá cước phải giảm tương xứng với giá xăng dầu thì là do anh chưa làm tròn vai”, ông Long nói.
Theo ông Long, với các doanh nghiệp “lách” thanh kiểm tra bằng cách giảm giá kiểu đối phó như: chỉ giảm giá cước mở cửa đối với taxi, nhưng giữ nguyên giá cước tính theo kilômét hay giảm vài nghìn đồng/chặng đường hàng chục kilômét, các cơ quan quản lý cần vào cuộc quyết liệt. Để doanh nghiệp phải giảm giá cước, chỉ cần tập trung bóc tách chi tiết hoạt động, lợi nhuận của doanh nghiệp vận tải, taxi lớn trên thị trường. Khi các doanh nghiệp này bị bóc mẽ các chiêu giảm giá đối phó và bị phạt thật nặng, đương nhiên, các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải giảm giá một cách thật sự. Theo chuyên gia này, các cơ quan quản lý rất muốn giữ quyền cho mình, nhưng do ôm đồm quá, nên họ đang tự làm mờ nhạt vai trò của mình.
Một chuyên gia về thị trường cũng cho rằng, việc bất lực trong quản lý hoạt động giá cước vận tải một phần do sự mù mờ về kết quả thanh tra. Thậm chí có tình trạng đi thanh, kiểm tra rầm rộ, nhưng công bố không có gì, hoặc không công bố kết quả. “Không loại trừ có tình trạng vì lợi ích cá nhân, phong bì mà hy sinh lợi ích của xã hội. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Các nước có quy định xử lý rất nặng về việc cơ quan chức năng móc nối với doanh nghiệp trong việc bao che các sai phạm của doanh nghiệp”, vị này nói.
Giá xăng giảm mạnh còn 15.442 đồng/lít Từ 15h ngày 19/1, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước giảm từ 301 đồng đến 912 đồng/lít/kg. Với mức giảm 590 đồng/lít, giá bán lẻ xăng A92 của Petrolimex còn 15.440 đồng/lít. Giá bán lẻ xăng sinh học E5 giảm 580 đồng/lít còn 14.750 đồng/lít. Với mức giảm rất mạnh 912 đồng/lít, giá diesel loại 0,05S còn 10.200 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 886 đồng/lít còn 9.380 đồng/lít. Giá dầu madút loại 3,5S giảm 301 đồng còn 7.245 đồng/kg. Phạm Tuyên |