Sau 3 sự cố, HN xem xét "sửa" cầu vượt nhẹ

Ngoài hạn chế về tải trọng, hiện hai cây cầu vượt nhẹ Tây Sơn, Láng Hạ (Hà Nội) còn bị khống chế chiều cao. Do vậy chỉ sau 10 tháng thông xe, hai cây cầu này đã ba lần bị ô tô húc đổ thanh chắn ngang, khiến giao thông tê liệt. Với cầu vượt Láng Hạ còn có phương án cải tạo lại.

Ba lần gặp sự cố, ba lần giao thông tê liệt

Tuy đạt được một số hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông nhưng sau hơn 10 tháng thông xe (4/2012), đến nay cầu vượt nhẹ tại nút giao thông Tây Sơn - Chùa Bộc và Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng lần lượt gặp phải các sự cố khi bị ô tô húc đổ thanh chắn ngang, gây ảnh hưởng đến giao thông.

Lý giải nguyên nhân trên, Trung tá Ngô Minh Tiến, đội trưởng Đội CSGT số 7, CATP Hà Nội cho rằng, các sự cố vừa qua phần lớn là do ý thức của lái xe.

Sau 3 sự cố, HN xem xét "sửa" cầu vượt nhẹ - 1

Sau 10 tháng thông xe, cầu vượt nhẹ Hà Nội đã xảy ra 3 vụ TNGT. Ảnh: Trọng Đảng.

Tuy nhiên ông Tiến cũng cho rằng, xe buýt là phương tiện đô thị và cần được ưu tiên hoạt động để giải tỏa hành khách, nếu điều kiện cho phép, các sở ngành liên quan của thành phố cần nghiên cứu, có phương án gia cường để xe buýt được lưu thông trên cầu vượt Tây Sơn, Láng Hạ, tránh những vụ tai nạn tương tự xảy ra.

Thiết kế cầu vượt thiếu tầm nhìn?

Trước những vụ tai nạn do xe buýt và xe khách húc đổ thanh chắn cầu vượt Tây Sơn, Láng Hạ vừa qua, ngoài ý thức của lái xe dư luận nhân dân đang băn khoăn về tính hiệu quả của các cầu vượt này.

Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết đang phối hợp với Công an quận Ba Đình xem xét củng cố hồ sơ để ra quyết định khởi tố vụ lái xe buýt đâm vào thanh chắn cầu vượt nhẹ Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng.

Mục tiêu mà UBND TP Hà Nội yêu cầu khi duyệt phương án xây dựng cầu vượt Tây Sơn, Láng Hạ là giảm ùn tắc và TNGT. Tuy nhiên chỉ hơn 10 tháng đi vào hoạt động, ùn tắc tại nút Tây Sơn - Chùa Bộc, Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng có được cải thiện nhưng tai nạn, va chạm giao thông vẫn xảy ra.

“Điều đó chứng tỏ hiệu quả khai thác chưa cao, thiết kế còn nhiều hạn chế, nhất là trong bối cảnh phương tiện đi lại trên đường là hỗn hợp”, ông Nguyễn Đình Quân, một người dân sống trên đường Láng Hạ nhận xét.

Băn khoăn của dư luận càng có cơ sở khi cầu vượt Láng Hạ được đầu tư 67 tỷ đồng và thông xe hơn 10 tháng, nhưng để xe buýt có thể tham gia giao thông trên cầu này Sở GTVT Hà Nội (chủ đầu tư) đưa ra phương án cần hơn 10 tỷ đồng để gia cường lại.

Lý giải việc này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, Hà Nội đang triển khai Dự án phát triển giao thông đô thị. Dự án có hợp phần: Nâng cao năng lực vận chuyển hành khách bằng xe buýt nhanh (BRT), trong đó có tuyến buýt BRT 1 chạy qua nút giao thông Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng.

Theo các chuyên gia, dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới được Hà Nội phê duyệt từ 2007, vì sao khi xây dựng cầu vượt Láng Hạ không tính toán đến dự án này để khi làm xong xe buýt BRT có thể lưu thông, tránh việc phải gia cố lại như hiện nay? Điều này chứng tỏ không chỉ quy hoạch mà khâu thiết kế cầu vượt nhẹ Láng Hạ vừa qua thiếu tầm nhìn dài hạn…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trọng Đảng (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN