Sau 2 tháng, nhiều vỉa hè Hà Nội lại “thất thủ”

Hơn 2 tháng Hà Nội ra quân đồng loạt xử lý vi phạm an toàn giao thông, “đòi” lại vỉa hè cho người đi bộ, đường phố Thủ đô đã thông thoáng hơn, bãi trông xe, kinh doanh chiếm dụng đã biến mất. Tuy nhiên, không ít tuyến phố, tình trạng vi phạm vẫn tái diễn, nhiều lòng đường, vỉa hè lại tiếp tục “thất thủ”.

Sau 2 tháng, nhiều vỉa hè Hà Nội lại “thất thủ” - 1

Vỉa hè vẫn bị lấn chiếm trên đường Nguyễn Xiển. ảnh: H.P

Tái chiếm tràn lan

Điều dễ nhận thấy nhất hiện nay là hàng trăm tuyến phố ở Hà Nội đã được kẻ lại vạch sơn để phân biệt nơi dành cho người đi bộ và khu vực để xe máy, ô tô.

Việc xử lý vi phạm, “đòi” lại vỉa hè cho người đi bộ ở khu vực phố cổ đã “nóng” từ những ngày đầu. Bởi vì, từ lâu vỉa hè là nơi buôn bán, kiếm sống của người dân nơi đây. Ghi nhận của chúng tôi, ở các tuyến phố như Hàng Ngang, Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) nơi thường xuyên có sự hiện diện của lực lượng chức năng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè cơ bản đã được đẩy lùi. Khách hàng ghé các cửa hàng ở trên những tuyến phố này đều được hướng dẫn gửi xe hoặc đưa xe vào cửa hàng.

Tuy nhiên, cách Hàng Ngang, Hàng Đào không xa, nhiều tuyến phố cổ nhỏ hẹp khác, tình trạng để xe kín vỉa hè, thậm chí tràn xuống lòng đường diễn ra phổ biến. Không chỉ vỉa hè, mà ngay lòng đường, người đi bộ cũng khó khăn khi đi qua những tuyến phố hẹp. Lực lượng chức năng thể hiện quyết tâm giành vỉa hè cho người đi bộ, giành lòng đường cho phương tiện giao thông, nhưng không ít người cố tình chiếm giữ vỉa hè, góc phố. Các tổ công tác, quản lý trật tự của nhiều phường thường xuyên đi dẹp, tuy nhiên khi lực lượng chức năng vừa đi khỏi, bàn ghế lại tiếp tục được bày ra vỉa hè. Những điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè và lòng đường thường xuyên ở phố Hàng Cá, Cầu Gỗ, Mã Mây… đó là nơi kinh doanh cà phê, bia hơi, trà chanh.

Ở các quận khác, thống kê cho thấy, 2 tháng qua, hầu hết các quận, huyện đều ra quân và duy trì trật tự đô thị, trật tự giao thông, nhất là tại khu vực buôn bán hàng hóa đặc thù, khu chợ. Phố Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai trước đây luôn được biết đến là một trong những tuyến phố lộn xộn, mất mỹ quan với thực trạng vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng để họp chợ, thì nay cơ bản đã được dẹp bỏ.

Sau 2 tháng thực hiện việc đòi lại vỉa hè, ông Đặng Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, cho biết: “Sau khi ra quân xử lý trật tự vỉa hè lòng đường cơ bản đến thời điểm này đường phố đã phong quang sạch sẽ. Chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo tình hình, chống lấn chiếm trở lại”. Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng rời đi, chợ cóc, chợ tạm, quán nước vẫn xuất hiện ở vỉa hè. Ở khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (quận Thanh Xuân), tình trạng chợ tạm vẫn họp ngang nhiên ngay dưới biển “cấm họp chợ” trên đường Nguyễn Thị Thập.

Nhức nhối bãi xe ô tô

Sau 2 tháng, nhiều vỉa hè Hà Nội lại “thất thủ” - 2

Lòng đường các ngõ vẫn là nơi để xe máy

Cùng với các hàng quán, bậc tam cấp lấn chiếm bị dẹp thì nhiều bãi xe trái phép trên địa bàn thành phố bị xóa bỏ. Không còn nhiều bãi đỗ xe vô tội vạ như trước đây, nhiều lái xe ô tô “đau đầu” vì không tìm ra chỗ đậu. Tình trạng chung ở các phố nhỏ, ngõ, ngách ở tất cả các quận đều có lượng ô tô đậu nhiều bất thường.

Những ngõ ngách dẫn vào các tòa chung cư vốn đã rất nhỏ hẹp, hai bên lòng đường đều xuất hiện hàng dài phương tiện ô tô khiến việc đi lại của cư dân gặp nhiều khó khăn. Tại các con phố khu Trung Hòa – Nhân Chính, hàng loạt ngõ nhỏ đã bị tận dụng tối đa để biến thành các bãi đỗ xe. Trước mặt nhà N6 khu Trung Hòa – Nhân Chính, bãi gửi xe chật kín vỉa hè tràn xuống lòng đường kéo dài từ đầu đến cuối đường. Người dân cho biết, trước đây chỉ có ô tô của cư dân trong khu vực gửi, tuy nhiên bây giờ người ở khắp nơi đến đây gửi xe gây ùn ứ cả khu vực.

Ở khu vực Linh Đàm (quận Hoàng Mai), tình trạng ô tô đỗ lòng đường diễn ra phổ biến. Anh Hoàng Tuấn Anh ở tầng 28 khu đô thị HH4B Linh Đàm cho biết: “Hầm nhà chung cư đã quá tải. Nhiều bãi xe bị giải tán, lượng xe dồn vào các đường phố nhỏ. Khu vực này lại nhiều công ty, ngân hàng, khách đến giao dịch nhiều. Tôi thấy việc giải phóng bãi xe trái phép chưa giải quyết triệt để việc lấy lại hành lang giao thông. Nó chỉ chuyển xe ô tô từ chỗ đậu này dạt sang chỗ đậu khác thôi. Thậm chí, bây giờ người dân ở trong các con phố nhỏ như ở phố Linh Đường rất bức xúc vì xe cộ của dân công sở ở đâu dồn về đậu thành hai dãy dài hai bên”.

Như anh Tuấn Anh nói, với việc "thu hồi" vỉa hè đồng thời nhiều bãi trông xe ô tô trái phép bị dẹp đã biến những ngõ ngách trở thành bãi đậu ô tô. Ngoài ra, còn khá nhiều đường phố ngõ ngách quá hẹp, ô tô do không có chỗ đỗ nên đã phải "chiếm" các khu vực để xe máy trên vỉa hè. Hiện tượng này diễn ra không chỉ ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai mà còn xuất hiện ở các khu vực như đường Hào Nam (quận Đống Đa), Lý Thường Kiệt (quận Hai Bà Trưng).

Hơn 60 ngày ra quân triển khai dọn dẹp vỉa hè, nhiều tuyến phố đã đi vào nề nếp khi xe cộ được xếp quy cũ nằm trong vạch sơn mà lực lượng chức năng cho phép. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như việc bám trụ các vỉa hè mưu sinh bằng việc mở quán nước kiếm sống của rất nhiều người dân lao động, việc kinh doanh trên vỉa hè lâu nay đã trở thành “chuyện đương nhiên” ở khu vực phố cổ. Còn nữa, việc chậm trễ triển khai các bãi đậu xe thông minh khiến cho hàng vạn lái xe ô tô không biết đỗ vào đâu. Không giải được những bài toán trên tận gốc rễ thì vỉa hè, lòng đường khó được “trả lại” một cách triệt để.

Những “pháo đài tí hon” bất khả xâm phạm trên vỉa hè Hà Nội

Những “pháo đài” này được tận dụng triệt để bởi không mất tiền mua và cũng không sợ lực lượng chức năng thu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương (Gia đình & Xã hội)
Cuộc chiến đòi lại vỉa hè Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN