Sau 10 năm, đội săn bắt chó thả rông ở TP.HCM giờ ra sao?
Mỗi quận, huyện tại TP.HCM sẽ có một đội săn bắt chó thả rông, thay vì một đội duy nhất cho toàn thành phố như trước đây.
TP.HCM từng được biết đến là một trong những địa phương đầu tiên thành lập đội săn bắt chó thả rông, để bắt và xử lý những cá thể chó không rọ mõm, không níu giữ bằng dây, không có chủ theo canh chừng ở nơi công cộng. Đội săn bắt chó TP.HCM này thuộc sự quản lý của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, được thành lập vào năm 2009 và hoạt động rất mạnh vào các năm 2017 - 2018, nhưng thời gian gần đây đã có phần lắng xuống.
Một chú chó thuộc giống Fox bị đội săn bắt chó TP.HCM bắt vào sáng 12/9/2017
Trao đổi với PV về hoạt động của đội săn bắt chó hiện nay, ông Phạm Minh Trí - Trạm trưởng Trạm Phòng chống dịch và kiểm dịch động vật (thuộc Chi cục Thú y TP.HCM) cho biết, công tác săn bắt chó thả rông trên địa bàn TP.HCM vẫn đang được duy trì thực hiện theo đề nghị phối hợp của các địa phương. Tuy nhiên, tần suất có giảm do ý thức của người dân đã được nâng lên, có cầm cột khi dắt chó ra ngoài, ít thả rông chó ra đường.
Theo ông Trí, để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh dại, tiến tới xây dựng vùng thành phố an toàn dại, Chi cục đã tập huấn, chuyển giao kỹ thuật bắt chó cho các địa phương. “Đến nay, UBND quận 1 đã thành lập đội bắt chó thả rông và tự tổ chức bắt chó thả rông trên địa bàn, hoạt động khá hiệu quả”, ông Trí đánh giá.
Thực tế trong nhiều tháng qua, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1 đã dẫn đầu đoàn công tác liên ngành đi xử lý nhiều trường hợp chó thả rông ở nơi công cộng. Hoạt động của đội săn bắt chó quận 1 đã tạo hiệu ứng mạnh trong xã hội.
Ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1 cùng đoàn liên ngành trong một lần đi bắt chó thả rông
Sau quận 1, các quận khác như quận 6, quận 8, quận 12, quận Gò Vấp, quận Cần Giờ… cũng đang đề xuất thành lập đội bắt chó như mô hình này, để chủ động thực hiện tại địa phương.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, ý thức của người dân về quản lý chó nuôi đã dần được nâng cao, nhất là tại các khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, tại các khu dân cư vùng ven, nông thôn, vẫn còn tình trạng thả rông chó.
Tỉ lệ tiêm phòng hàng năm tại TP.HCM đạt trên 90% tổng đàn chó (khoảng 205.000 con). Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM đã thẩm định và công nhận 17 quận huyện an toàn với bệnh dại, và đang xúc tiến xây dựng 7 huyện còn lại, để tiến tới năm 2021, toàn thành phố được công nhận an toàn với bệnh dại”, Trạm trưởng Trạm Phòng chống dịch và kiểm dịch động vật cho biết.
Một cá thể chó hung dữ thả rông nơi công cộng
Về việc trong những tháng đầu năm 2019 thường xuyên xảy ra các vụ chó cắn người bị thương, thậm chí là tử vong, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM khuyến cáo: “Người dân nuôi chó phải thực hiện việc đăng ký chăn nuôi với chính quyền địa phương, tiêm phòng dại, xích nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu đến người xung quanh; không thả rông chó, khi đưa chó ra ngoài phải có rọ mõm, xích giữ chó và có người dắt”.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM đề nghị người dân khi phát hiện trường hợp chó có những biểu hiện nghi ngờ bệnh dại, phải ngay lập tức thông báo cho mọi người xung quanh và chính quyền địa phương biết để phòng tránh chó cắn và có biện pháp xử lý kịp thời.
Đoàn công tác liên ngành của quận 1, trong đó có Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải đã bị chửi bới, ngăn cản khi...