Sạt lở núi ở Quảng Ngãi, nhiều hộ dân bị cô lập
Mưa lớn kéo dài khiến một số tuyến đường ở huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, (tỉnh Quảng Ngãi) bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông và cô lập nhiều thôn, xã.
Chiều tối 16/11, UBND huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, trên địa bàn đang có nhiều điểm sạt lở gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân.
Theo đó, vào trưa 16/11, một ngọn đồi đã bất ngờ bị sạt lở, hơn 10.000m3 đất đá đổ ập xuống tỉnh lộ 623 (đoạn qua thôn Nước Vương, xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây) gây ách tắc giao thông. Rất may, vào thời điểm sạt lở, đoạn đường này đường vắng, nên không gây thiệt hại về người.
Đường bê tông vào xóm Ra Lung (thôn Đăk Lang, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) bị đứt đoạn do sạt lở, khiến 20 hộ dân bị cô lập.
“Ngay trong chiều 16/11, địa phương đã huy động các lực lượng và phương tiện, dọn dẹp lượng đất, đá đổ xuống đường. Đồng thời, đặt biển cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở, khuyến cáo người dân không tham gia lưu thông.Tuy nhiên, do lượng đất, đá sạt lở xuống đường khá lớn, nên dự kiến đến ngày 17/11, công tác khắc phục mới cơ bản hoàn thành”, ông Trần Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Sơn Liên nói.
Cũng trong chiều 16/11, do mưa lớn, nhiều tuyến đường ở thôn Đăk Lang (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Trong đó, đường bê tông vào xóm Ra Lung đã đứt đoạn khiến 20 hộ dân bị cô lập.
Ngọn đồi sạt lở khiến 10.000 khối đất, đá và bùn tràn xuống tỉnh lộ 623.
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Dung Đinh Văn Đùng cho biết, trong 3 ngày qua, địa phương có 5 điểm sạt lở lớn, nhỏ. Tại thôn Đăk Lang, mưa lớn làm sạt lở nghiêm trọng tuyến đường vào xóm Ra Lung khiến 20 hộ dân tại đây bị cô lập.
“Hiện, địa phương đang khẩn trương phối hợp cùng các ngành chức năng tiến hành khắc phục sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho người dân”, ông Đùng nói thêm.
Còn tại huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi), dù mưa đã giảm nhưng do nước ở thượng nguồn đổ về nên mực nước ở các suối vẫn còn cao. Tại cầu Thạch Nham, cầu Sơn Kỳ, cầu Sơn Giang - Sơn Linh, cầu Tầm Linh - Sơn Linh và một số cầu nhỏ tuyến ĐH72 Sơn Nham đi Sơn Linh, ĐH76 Sơn Nham... vẫn ngập sâu. Giao thông tại các khu vực chưa thể thông suốt.
Tuyến đường Sơn Bao đi hồ Nước Trong (huyện Sơn Hà) xuất hiện tình trạng sạt lở bờ ta luy.
Tại tuyến đường Sơn Bao đi hồ Nước Trong (huyện Sơn Hà) cũng xuất hiện tình trạng sạt lở bờ ta luy. Cụ thể, bờ taluy âm bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi lượng lớn đất khiến tuyến đường đang bị đặt trong tình trạng báo động. Hiện chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo, cấm người qua lại tại vị trí xảy ra sạt lở.
Cũng trong ngày 16/11, mưa lớn kéo dài làm Quốc lộ 24 đoạn qua đèo Vi Ô Lắc thuộc địa phận huyện Ba Tơ xảy ra tình trạng sạt lở nặng tại 2 vị trí Km 63+350 và Km 64+400. Đáng chú ý, tại khu vực giáp ranh giữa Quảng Ngãi và Kon Tum, mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt lớn kéo dài.
Để đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tổ chức chốt chặn ở gần nơi xảy ra sạt lở, nứt mặt đường, không cho người và phương tiện lưu thông.
Ngoài ra, lãnh đạo huyện Ba Tơ đã chỉ đạo lực lượng chức năng, sẵn sàng phối hợp với cơ quan quản lý Quốc lộ 24 triển khai các phương án, khẩn trương khắc phục sạt lở, nứt mặt đường nhằm sớm thông tuyến.
Mặt đường Quốc lộ 24 đoạn qua đèo Vi Ô Lắc xuất hiện nhiều vết nứt lớn.
Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 70 điểm sạt lở trên 3 tuyến quốc lộ và 11 tuyến đường tỉnh. Các tuyến đường liên xã, liên thôn tại 5 huyện miền núi của địa phương này cũng bị sạt lở, ách tắc nhiều đoạn.
Sở GTVT Quảng Ngãi đã huy động phương tiện thu dọn đất đá sạt lở, gạt bùn đất để khơi thông tuyến đường. Chính quyền các địa phương nơi xảy ra sạt lở cũng đã tổ chức cắm các biển cảnh báo sạt lở, hướng dẫn giao thông tại các vị trí ách tắc, nguy hiểm, các vị trí có nguy cơ sạt lở để người dân chủ động phòng tránh.
Nam sinh lớp 5 được nghỉ học do mưa lũ, khi đi chơi cùng bạn bị ngã vào mương nước, tử vong.
Nguồn: [Link nguồn]