Sạt lở khủng khiếp gần mỏ đá ở Gia Lai
Nhiều diện tích lớn đất nông nghiệp, cây trồng của người dân nằm gần mỏ đá của Công ty CP đá Mang Yang Trang Đức đã bị sạt lở, nước cuốn trôi.
Thời gian vừa qua, nhiều hộ dân thuộc hai xã Hra và Đak Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai phản ánh về việc mỏ khai thác đá của Công ty CP đá Mang Yang Trang Đức, trong quá trình khai thác đá đã làm ảnh hưởng, sạt lở nhiều diện tích đất trồng cây, hoa màu của dân.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, dọc theo hai bên bờ suối Hra (đoạn chảy qua địa phận 2 xã Hra và Đăk Ta Ley) có nhiều điểm sạt lở, ăn sâu vào đất đai của người dân. Tại đây, nhiều cây cà phê bị cuốn xuống lòng suối. Hiện nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân vẫn đang có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.
Nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân nằm cạnh mỏ đá đã bị sạt lở, cuốn trôi
Ông Lê Ngọc Thành (ngụ thôn Phú Yên, xã Hra) có diện tích đất nông nghiệp cạnh mỏ đá, sát bên bờ suối. Từ khi mỏ đá đi vào hoạt động đã làm ảnh hưởng đến vườn cây. Thời gian gần đây, tình trạng trên càng nghiêm trọng hơn khi diện tích sạt lở càng mở rộng. Đỉnh điểm nhất là vào ngày 5-9, hơn 3 sào trồng lúa, cây bời lời của ông Thành bị cuốn trôi hoàn toàn.
Ông Thành cho rằng nguyên nhân là do mỏ đá trong quá trình khai thác đã khoét sâu, chân taluy bị rỗng, thời gian lâu dần, kèm mưa dẫn đến việc bị sạt lở. Trước đây, suối H’ra chỉ rộng chừng 5 mét, do việc khai thác đá nên hiện lòng suối rất sâu, rộng vài chục mét.
Hiện đất đai vẫn bị sạt lở
Còn ông Đinh Mak (xã Hra) cũng cho biết gia đình bị sạt lở 2.000m2 đất nhưng phía công ty bảo do thiên tai, mưa bão và không hỗ trợ. "Họ nói vậy chúng tôi cũng đành chịu vậy. Cứ như vầy thì phần đất còn lại sẽ bị sạt lở hết" – ông Đinh Mak nói.
Ngoài ảnh hưởng đến diện tích cây trồng của người dân thì vụ sạt lở trên đang là mối đe dọa cho tuyến đường liên xã Hra đi xã Lơ pang. Hiện tại, con đường này chỉ còn cách vực sâu chưa đến 2m.
Con đường liên xã nằm cạnh mỏ đá cũng đang bị uy hiếp
Ông Trần Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hra, huyện Mang Yang, cho biết qua kiểm tra thực tế thì thấy khu vực 2 bên bờ suối và đất lân cận bị sạt lở với chiều dài 1.025m. Trong đó, chiều dài khu vực bị sạt lở nằm trong phạm vi cấp phép khai thác cho công ty là 325m; còn lại đất của dân tiếp giáp với mỏ đá.
UBND huyện Mang Yang đã yêu cầu Công ty CP Đá Mang Yang Trang Đức dừng hoạt động khai thác khoáng sản, khẩn trương có giải pháp khắc phục, kè chắn phù hợp tại các khu vực bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, đặc biệt các vị trí trong khu vực mỏ đá giáp với đường liên xã và đất của các hộ dân để đảm bảo an toàn, ngăn chặn kịp thời tình trạng sạt lở trong thời gian tới.
Chủ mỏ đá cho rằng việc đất nông nghiệp của người dân bị sạt lở là do thiên tai
Về phía mỏ đá, ông Nguyễn Thành Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Đá Mang Yang Trang Đức, cho biết nguyên nhân sạt lở 2 bên suối Hra là do thiên tai, mưa lớn, nước dâng lên cao đã làm sạt lở hai bên bờ suối.
Không chỉ người dân, công ty cũng bị thiệt hại khi nhiều máy móc và phương tiện bị nhấn chìm. "Đây là sự việc do thiên tai. Đến bây giờ, chưa có cơ quan nào đánh giá nguyên nhân sạt lở đất của dân là do mỏ đá" – ông Tâm nói.
Hiện một số hộ tiếp tục có đơn gửi các cơ quan chức năng cho rằng mỏ đá gây sạt lở và yêu cầu bồi thường.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều khu vực thấp trũng ở hạ du Thủy điện Hương Điền (tỉnh ThừaThiên - Huế) ngập lụt do mưa lớn và thủy điện điều tiết xả lũ