“Sát hạch” ông đồ mới ra… đồ thật!

Kết quả cuộc sát hạch đầu tiên về trình độ thư pháp của các ông đồ tại Văn miếu-Quốc Tử giám Hà Nội vừa qua đã đặt ra một kết quả trớ trêu: 70% các ông đồ… “thi trượt”!

Điều này cũng đồng nghĩa với việc có tới 70% số ông đồ cho chữ dịp Xuân ở Văn miếu viết sai chữ, viết cẩu thả, thậm chí không đủ trình độ, năng lực để cho chữ.

Xin chữ ngày Tết vốn là một nét văn hoá đẹp của người Việt nhằm thể hiện sự thành kính, ước mong của con người từ những nét chữ được viết ra bởi những bậc tài cao đức trọng. Tuy không quá bất ngờ nhưng kết quả trên khiến nhiều người nghĩ ngợi, đã từng có bao nhiêu ông đồ vẫn ung dung mực Tàu giấy đỏ, “lập lờ đánh lận con đen” đều đều cho chữ mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Đã có một thời, tục xin chữ tưởng chừng đã “xếp kho” trong tiếng thở dài của các nho sĩ: “Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay”… thế mà chẳng bao lâu sau, những “chợ chữ” đột nhiên xuất hiện bằng đám đông ồn ào, xếp hàng xin chữ mà không cần quan tâm đến tài năng, thần thái người cho chữ.

“Sát hạch” ông đồ mới ra… đồ thật! - 1

Cuộc sát hạch đầu tiên về trình độ các ông đồ

Xưa nay, người có thể tặng chữ thiên hạ phải trải qua thời gian dài khổ luyện, đạt được những tiêu chuẩn khắt khe về mức độ am hiểu chữ nghĩa, kĩ thuật viết thư pháp. Nhưng ở ta, không hiếm những ông đồ mới mười tám, đôi mươi cũng dựng một “lều chữ” rồi ngồi viết/ vẽ như ai.

Cũng có không ít người xin chữ chép miệng bằng lòng với cách nghĩ: Quý ở cái tinh thần chung, đầu Xuân mua chữ thì ít mà mua niềm vui thì nhiều. Nhưng ít ai ngờ rằng, vì cái “tinh thần chung” ấy mà không ít ông đồ còn chưa thuộc hết mặt chữ, mỗi khi viết cho khách phải dựa vào từ điển Hán – Việt để tra hay có ông đồ còn dùng đến kĩ xảo in mờ, in sẵn chữ trên giấy hòng che mắt người xem.

Rõ ràng, đằng sau chuyện sát hạch chữ nghĩa này còn hàm chứa nhiều vấn đề sâu sa về cội nguồn, văn hóa, tri thức…

“Sát hạch” ông đồ mới ra… đồ thật! - 2

"Phố ông đồ" sẽ được kiểm soát chặt chẽ

Nhiều nhà thư pháp cho hay, ông đồ nào đã có tài mà chịu ra ngồi vỉa hè thì họ “tâm phục khẩu phục” bởi tiết trời xuân ẩm ướt, giấy mực lâu khô, dễ nhoè, nên không thể cao hứng chấm mực thoải mái nên thông thường họ đành ở nhà chứ quyết không mang… máy sấy tóc hay con cái, cháu chắt ra vỉa hè hong chữ để phục vụ khách.

Qua lần sát hạch này, hẳn nhiều người sẽ an tâm hơn về chuyện ông đồ “xịn” mới được cho chữ và BTC Hội chữ Xuân còn “niêm yết mức giá sàn” cho chữ để tránh tình trạng “nhìn mặt phán giá”.

Đằng sau câu chuyện chữ nghĩa đầu năm, cảm xúc đọng lại có lẽ là những nỗi niềm băn khoăn, ái ngại chẳng biết giấu vào đâu. Ngay cả những ông đồ vừa đỗ kì sát hạch, chắc gì họ sẽ không buồn!.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Phương (Gia đình xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN