Người bạo lực gia đình sẽ phải chăm sóc cây xanh, làm sạch đường
Đây là một trong những điểm đáng chú ý trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua chiều nay (14/11).
Trưởng Công an xã yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định, người có hành vi bạo lực gia đình sẽ phải tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng.
Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Chiều 14/11, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đồng thời biểu quyết thông qua luật.
Trước khi thông qua toàn bộ Luật, các đại biểu tiến hành biểu quyết thông qua 3 Điều về hành vi bạo lực gia đình; góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.
Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 465 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật, chiếm 93,37%. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội và cơ quan có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật có liên quan và đã thống nhất việc tiếp thu, chỉnh lý Điều 24.
Theo đó, quy định rõ căn cứ và trường hợp Trưởng Công an xã yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc. Bỏ quy định về thời gian người bị bạo lực gia đình làm việc tại trụ sở Công an xã và quy định về trình tự, thủ tục đưa người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nếu họ không đến như thể hiện tại Điều 24 dự thảo Luật.
Đồng thời, Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo luật theo hướng giao Chủ tịch UBND cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú quyết định, tổ chức việc thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. Đồng thời, khoản 4 và khoản 5 Điều 32 cũng được chỉnh lý tương tự.
Định kỳ 2 năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Dự thảo Luật có 5 nhóm điểm mới:
Thứ nhất, với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.
Thứ hai, thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong “phòng” có “chống”, trong “chống” có “phòng”.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Thứ tư, khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình. Bổ sung trách nhiệm của Chính phủ định kỳ 2 năm một lần hoặc đột xuất báo cáo Quốc hội việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 33. Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng 1. Công việc phục vụ cộng đồng là công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ cho lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú, bao gồm: a) Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác; b) Tham gia công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng. 2. Danh mục công việc quy định tại khoản 1 Điều này do Chủ tịch UBND cấp xã công nhận trên cơ sở thảo luận, quyết định của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. 3. Chủ tịch UBND cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú quyết định và tổ chức cho người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. |
Người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị cấm tiếp xúc với nạn nhân trong khoảng cách 50m trở lên, trường hợp có vật ngăn cách bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực...
Nguồn: [Link nguồn]