Sắp tái khởi động dự án đường sắt sau vụ bê bối JTC

Dự án đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) phải tạm dừng triển khai từ tháng 4/2014 do ảnh hưởng từ việc nhà Tư vấn JTC (Nhật Bản) đưa hối lộ cho quan chức đường sắt tới đây sẽ được tái khởi động lại sau một thời gian dài “đắp chiếu”…

Được thiết kế kỹ thuật từ tháng 10/2009, tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội, tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi dài 15 km, được phê duyệt tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 19.459 tỷ đồng.

Trước khi xảy ra vụ JTC hối lộ 11 tỷ đồng cho các quan chức ngành đường sắt Việt Nam, dự án này đã giải ngân được 1.061 tỷ đồng, trong đó 691 tỷ đồng vốn ODA cho thiết kế kỹ thuật, 370 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng.

Quá trình thực hiện dự án, ngoài việc gặp rắc rối về vụ các quan chức ngành đường sắt nhận hối lộ của phía đơn vị tư vấn Nhật Bản JTC, việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 này của Hà Nội còn gặp một số vướng mắc về việc xây dựng cầu đường sắt bắc qua sông Hồng phục vụ việc chạy tàu từ Gia Lâm vào nội thành Hà Nội.

Theo thiết kế ban đầu, tuyến đường sắt này sẽ nâng cấp, sửa chữa cầu Long Biên hiện có để dùng cho tuyến đường sắt đô thị số 1 đi qua. Tuy nhiên, khi các phương án sửa chữa, nâng cấp cầu được đưa ra đã vấp phải sự phản đối của dư luận cho nên phương án sửa cầu không khả thi mà buộc phải xây dựng một cây cầu đường sắt khác bắc qua sông Hồng để phục vụ việc chạy tàu.

Sắp tái khởi động dự án đường sắt sau vụ bê bối JTC - 1

 Bộ GTVT chuẩn bị tái khởi động lại dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi. (Ảnh minh họa: Tuấn Minh)

Đến đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Giao thông đã kiến nghị Chính phủ phân kỳ giai đoạn 1 tập trung đầu tư khu tổ hợp Ngọc Hồi, ga Hà Nội, ga Giáp Bát với tổng mức đầu tư dự kiến 17.376 tỷ đồng. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - ga Hà Nội với tổng mức đầu tư hơn 28.800 tỷ đồng. Đoạn Hà Nội - Gia Lâm bao gồm cầu sông Hồng sẽ được phân kỳ giai đoạn tiếp theo.

Ngày 27/10 vừa qua, sau hai ngày xét xử, TAND TP Hà Nội đã công bố bản án với 6 bị cáo nguyên là cán bộ Ban quản lý các dự án Đường sắt VN về vụ nhận 11 tỉ đồng từ nhà thầu JTC Nhật Bản với mức án phạt từ 6-11 năm tù cho từng bị cáo.

Sau khi tòa án đưa ra xét sử vụ nhận hối lộ trên, tại cuộc họp mới đây về các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tái khởi động lại dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến số 1, đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi.

Theo ông Trường, các dự án khác đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi cũng sẽ được Bộ GTVT tích cực phối hợp với các nhà tài trợ để sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Các vướng mắc, khó khăn về nguồn vốn sẽ được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ để có chỉ đạo thực hiện”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm.

“Hiện nay Chính phủ Việt Nam đang đầu tư rất nhiều các dự án ĐSĐT tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Dó đó, cập nhật thường xuyên tình hình triển khai thực hiện các dự án ĐSĐT là rất quan trọng. Các tuyến ĐSĐT đều đi qua các khu dân cư đông đúc của thành phố, vì vậy khi thực hiện dư án, các chủ đầu tư phải có kế hoạch triển khai phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông và không bị ùn tắc”, ông Trường nhấn mạnh.

Sớm nhất giữa năm 2016 người Hà Nội mới được đi tàu điện trên cao

Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, hiện tại trên địa bàn TP. Hà Nội có 8 dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT), trong đó, có 3 dự án đang triển khai, 1 dự án đang tạm dừng triển khai và 5 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi.

Cũng theo báo cáo của đơn vị này, sớm nhất phải đến giữa năm 2016, dự án đường sắt đô thị hoàn thành đầu tiên ở Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông mới được đưa vào khai thác và sử dụng.

Theo báo cáo, các dự án đường sắt đô thị đang triển khai ở Hà Nội gồm: Dự án tuyến ĐSĐT thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội do TP. Hà Nội làm chủ đầu tư có tổng chiều dài 12,5 km, trong đó 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm gồm 8 ga trên cao và 4 ga gầm. Tổng mức đầu tư (TMĐT) dự án là 1.177 triệu Euro (tương đương khoảng 32.910 tỉ đồng), sử dụng vốn vay ODA và vốn đối ứng của Việt Nam. Thời gian thực hiện Dự án 2009-2018.

Dự án tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo do TP. Hà Nội làm chủ đầu tư có tổng chiều dài 11,5 km, trong đó 8,5 km đi trên cao và 3 km đi ngầm. TMĐT dự án là 19.555 tỉ đồng, sử dụng vốn ODA vay của JICA. Thời gian thực hiện từ 2009-2020.

Dự án tuyến ĐSĐT trên cao Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT làm chủ đầu tư có tổng chiều dài 13,05 km gồm 12 ga và 1 khu depot. TMĐT dự án là 8.770 tỉ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam. Dự án được khởi công từ năm 2011 và dự kiến trong năm 2016 sẽ hoàn thành.

Hiện để thúc tiến độ của dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã chốt tiến độ hoàn thành xây dựng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào giữa năm 2016 và khai thác thương mại trong năm 2016. Như vậy, nếu đúng tiến độ, phải giữa năm 2016, người Hà Nội mới được đi tàu điện trên cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Minh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN