Sáp nhập huyện, xã: Nhiều nơi gặp khó sắp xếp cán bộ dôi dư, xử lý tài sản

Sự kiện: Thời sự

Nhiều địa phương trong báo cáo gửi Chính phủ đã nêu ra những khó khăn gặp phải khi thực hiện sáp nhập, sắp xếp đơn vị đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025.

Chiều nay (28-2), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.

Cuộc họp được tổ chức để đốc thúc cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các địa phương gặp phải nhằm đảm bảo tiến độ sắp xếp trước tháng 10-2024.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Ảnh: HẢI MINH

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Ảnh: HẢI MINH

Kéo dài thời gian sắp xếp với người hoạt động không chuyên trách

Tổng hợp kiến nghị, đề xuất của 45 địa phương cho thấy việc sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư; xử lý trụ sở, tài sản, đất đai là khó khăn, vướng mắc nhiều địa phương gặp phải.

Như Hưng Yên nêu thực tế số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư cấp ủy; số lượng ủy viên, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy đối với các Đảng bộ tại ĐVHC mới sau sắp xếp dôi dư rất lớn.

Cạnh đó, quy định tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã về làm công chức cấp huyện, cấp tỉnh gặp khó khăn.

Việc sắp xếp cán bộ không chuyên trách ở cấp xã dôi dư gặp khó khăn do Nghị quyết 35 không quy định về áp dụng thời gian giải quyết năm năm cho đối tượng này, Nghị định 29/2023 chỉ quy định về hỗ trợ đối với đối tượng này trong khoảng thời gian từ khi nghỉ đến thời điểm kết thúc nhiệm kỳ nên mức hỗ trợ không lớn.

Từ thực tế trên, Hưng Yên đề nghị Trung ương xem xét, có cơ chế đặc thù về số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư cấp ủy; số lượng ủy viên, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy của Đảng bộ mới hình thành sau sáp nhập tại Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030.

Tỉnh này cũng đề nghị Trung ương xem xét về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp được kéo dài thời gian sắp xếp trong vòng năm năm như cán bộ, công chức cấp xã.

Trong khi đó, Thái Bình đề nghị Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể về việc bố trí số lượng và giải pháp bố trí, sắp xếp, thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ cấp xã giữ chức vụ phó Chủ tịch UBND, phó Chủ tịch HĐND, trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội dôi dư…

TP Hải Phòng lại phát sinh các vấn đề khó khăn như chuyển đổi giấy tờ cho người dân, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư; việc xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư; nguồn lực tổ chức thực hiện gặp khó khăn; các xã, phường, thôn, xóm có tên gọi theo số thứ tự, sau sắp xếp sẽ bị trùng tên gọi…

Nhiều địa phương nêu những khó khăn trong việc sắp xếp công chức cấp xã dôi dư vào làm công chức cấp huyện, tỉnh. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Nhiều địa phương nêu những khó khăn trong việc sắp xếp công chức cấp xã dôi dư vào làm công chức cấp huyện, tỉnh. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Khó sắp xếp công chức cấp xã dôi dư vào làm công chức cấp huyện, tỉnh

Tỉnh Bắc Kạn cho hay, việc bố trí, sắp xếp số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư vào làm công chức cấp huyện, tỉnh là rất khó thực hiện. Lý do là các cơ quan, đơn vị cơ bản đã sử dụng hết biên chế được giao, đồng thời đang phải thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo quy định.

Cạnh đó, việc xử lý, bán đấu giá tài sản nhà, đất rất khó thực hiện để vừa đảm bảo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Sau khi sắp xếp giai đoạn 2019 – 2023, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Kạn vẫn đang tiếp tục thực hiện xử lý tài sản, đất đai sau sắp xếp.

Tỉnh Bình Định cũng phản ánh số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư lớn, khó sắp xếp, bố trí các chức danh.

Việc giải quyết trụ sở công dôi dư gặp khó khăn do khó chuyển đổi công năng sử dụng, hoặc nếu chuyển đổi phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; nếu chuyển đổi sang đất ở, đất kinh doanh thì khó thu hút nhà đầu tư.

Đây cũng là những vấn đề tỉnh Đắk Lắk gặp phải. Ngoài ra, tỉnh này còn khó bố trí nguồn vốn đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, đặc biệt là địa bàn các xã miền núi, vùng sâu.

Còn tỉnh Ninh Bình đề nghị xem xét, ban hành cơ chế bán đấu giá tài sản nhà, đất phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Tỉnh này cũng đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể về lộ trình, thủ tục thực hiện sắp xếp ĐVHC đô thị hoặc cho phép các địa phương được thực hiện việc sắp xếp (mở rộng ĐVHC) trước, sau đó mới thực hiện việc lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch, chương trình phát triển đô thị để đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển đô thị trong giai đoạn tiếp theo.

Hà Tĩnh nêu vướng mắc trong việc sắp xếp ĐVHC nông thôn vào ĐVHC đô thị do phải điều chỉnh quy hoạch, chương trình phát triển đô thị. Việc này mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành đề án sắp xếp.

Tỉnh này cũng lo ngại việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá một số trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp dự kiến sẽ khó khăn. Nguyên nhân là những trụ sở này có vị trí nằm ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giá trị giảm do không còn nằm trong khu vực trung tâm, không thuận lợi để kinh doanh du lịch, thương mại, dịch vụ; khó tìm được người tham gia đấu giá.

Mặt khác, trình tự, thủ tục thanh lý, bán đấu giá trụ sở, tài sản công theo quy định phải trải qua nhiều bước, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị nên thời gian thực hiện thường kéo dài, gây tốn kém chi phí bảo quản tài sản. Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất khi đưa ra đấu giá cũng sẽ khó khăn vì cần thời gian để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Trong khi đó, tỉnh Hải Dương cho biết sau sắp xếp, cơ sở vật chất, tài sản công ở ĐVHC mới vừa thừa, vừa thiếu. Nơi chọn trụ sở của ĐVHC mới không gian chật hẹp nên sẽ gặp khó khăn khi tổ chức sinh hoạt chung cũng như việc giải quyết công việc, thủ tục hành chính ở ĐVHC cấp xã mới có đông dân cư.

Hải Dương còn lo ngại một số ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp không đảm bảo tiêu chuẩn diện tích theo quy định nhưng không thể sắp xếp với xã thứ ba do nhiều yếu tố như quy hoạch, lịch sử văn hóa, ảnh hưởng đến giai đoạn sắp xếp sau 2026-2030, hay cũng có nơi Nhân dân không đồng thuận.

Hà Nội kiến nghị sửa đổi tiêu chuẩn về dân số và diện tích ĐVHC các cấp

Hà Nội kiến nghị báo cáo cấp có thẩm quyền cho Thủ đô có yếu tố đặc thù đối với ĐVHC cấp xã sau khi sắp xếp chưa bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích và dân số.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi tiêu chuẩn về dân số và diện tích của ĐVHC các cấp quy định tại Nghị quyết 1211 do tiêu chuẩn hiện nay không phù hợp với thực tế tại Hà Nội.

Theo UBND TP Hà Nội, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, nhiều cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỨC MINH ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN