Sắp hết hạn đăng ký giữ quốc tịch cho 4,5 triệu kiều bào

Thời hạn 5 năm để 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch sắp hết. Bộ Tư pháp đã có một số ý kiến về vấn đề này.

Tại cuộc họp báo quý I/2014 của Bộ Tư Pháp hôm qua (8/4), ông Nguyễn Công Khanh (Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực - Bộ Tư pháp) đã trả lời báo chí về quy định giữ quốc tịch đối với khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang định cư nước ngoài.

Theo quy định của Luật Quốc tịch có hiệu lực từ năm 2008, trong vòng 5 năm, người Việt Nam định cư nước ngoài muốn giữ quốc tịch phải đăng ký để giữ quốc tịch. Đến 1/7 tới đây, quy định này chính thức tròn 5 năm có hiệu lực.

Ông Khanh phân tích: Việt Nam có đặc thù về vấn đề quốc tịch do trải qua hai cuộc chiến tranh thế kỷ trước cùng sự điều chỉnh đường biên giới với các nước láng giềng. Một bộ phận người dân và người di cư tự do hiện không có quốc tịch rõ ràng, nhất là người Việt Nam định cư nước ngoài.

Năm 2008, Bộ Ngoại giao báo cáo có hơn 3 triệu người Việt Nam đang định cư nước ngoài, đến nay là 4,5 triệu người. Hiện Bộ chưa có số liệu trong số người Việt Nam đang định cư nước ngoài, bao nhiêu người đã đăng ký quốc tịch nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam và còn quốc tịch Việt Nam mà chưa có quốc tịch nước ngoài.

Sắp hết hạn đăng ký giữ quốc tịch cho 4,5 triệu kiều bào - 1

Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực - Bộ Tư pháp

Theo ông Khanh, quốc tịch không rõ ràng khiến chính họ gặp khó khăn trong việc tự bảo vệ quyền, lợi. Điều này cũng gây khó khăn cho chủ trương, chính sách bảo hộ của Nhà nước với người định cư nước ngoài.

Thời điểm đó, Bộ Tư pháp cùng với các bộ, ngành đề xuất sửa Luật Quốc tịch. Quốc hội, Chính phủ đều đã thống nhất, trong vòng 5 năm kể từ ngày Luật Quốc tịch có hiệu lực, những người định cư nước ngoài phải đến đăng ký với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch.

Theo ông Khanh, qua nghiên cứu pháp luật các nước, phần lớn người Việt định cư ở một số nước như Pháp, Mỹ, Canada, Úc, đã có quốc tịch nước ngoài. Luật quốc tịch của các nước này cũng không bắt buộc người nhập quốc tịch nước họ phải bỏ quốc tịch gốc.

Từ năm 1945 đến nay, Việt Nam cũng chưa bao giờ quy định người Việt Nam nhập quốc tịch nước ngoài thì mất quốc tịch Việt Nam. Quy định này của Việt Nam khác với Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển,... Nếu công dân những nước này nhập quốc tịch nước khác, mặc nhiên họ sẽ mất luôn quốc tịch gốc.

Bộ Tư Pháp cũng như Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành đều nhận định, tới đây  không nhiều người đã có quốc tịch nước khác đi đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Theo Luật Quốc tịch nhiều nước, nếu người nước ngoài đăng ký quốc tịch nước họ mà vẫn còn sự liên hệ về quyền, nghĩa vụ công dân với nước cũ thì sẽ bị xem xét về quốc tịch hiện tại. Chính vì thế nên những người Việt Nam đã có quốc tịch nước ngoài không còn nhu cầu giữ quốc tịch cũ.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, hiện mới chỉ hơn 6.000 người định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Phần lớn người đăng ký là ở Mỹ, Canada, Úc, Pháp. Nhưng Bộ không rõ, những người này có quốc tịch nước đó hay chưa. Những nước còn lại, rất ít công dân Việt Nam đăng ký giữ quốc tịch.

Theo Cục trưởng Nguyễn Công Khanh, một số ý kiến cho rằng nên bỏ quy định trên. Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực đã cùng nhiều cơ quan họp bàn. Các phương án đưa ra là sửa quy định như thế nào: gia hạn thời gian hay không, hay kiến nghị phương án khác… Tới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ trình Thủ tướng rồi mới công bố quyết định cuối cùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN