Sập hầm vàng: Phu vàng đùa với thần chết

Từ đầu năm 2013 đến nay, nhiều vụ sập hầm khai thác vàng trái phép đã xảy ra tại các tỉnh Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh… làm hàng chục người thương vong. Dù vậy, phu vàng vẫn bất chấp tính mạng, ngày ngày đổ xô vào rừng núi đào xới.

Mới đây nhất, vụ sập hầm vàng ở Khe Rì, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam ngày 25/9 đã làm 2 phu vàng tử nạn tại chỗ. Nạn nhân là Nguyễn Đình Vũ và Nguyễn Ngọc Trọng, đều 27 tuổi, ngụ tại xã Ba. Mưa lớn làm lở đất đá dẫn đến sập hầm đã vùi lấp 2 phu vàng này. Ngoài ra, 2 người khác bị trọng thương phải đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Truy quét cũng như không

Theo ông Nguyễn Văn Cân, Phó Chủ tịch UBND xã Ba, bãi vàng này nằm tại khu vực giáp ranh với xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nên việc truy quét luôn gặp khó khăn. “Cách đây không lâu, UBND xã nhận được thông tin tại Khe Rì có nhóm người khai thác vàng trái phép nên đã tổ chức truy quét. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt thì không thấy người nào, chỉ còn toàn máy móc và chúng tôi đã tiêu hủy. Vì đây là bãi vàng tự phát do người dân địa phương khai thác nên rất khó xác định người cầm đầu để xử lý” - ông Cân phân trần.

Tình trạng khai thác vàng trái phép tại huyện Đông Giang luôn là chuyện đau đầu đối với các cơ quan chức năng. Lâu nay, việc truy quét vẫn được tổ chức thường xuyên nhưng hễ lực lượng chức năng rút đi, “vàng tặc” lẩn khuất đâu đó lại đổ ra đào bới. Chưa kể những cái chết liên tục xảy ra là điều cảnh báo nhãn tiền nhưng phu vàng vẫn liều mạng, bất chấp. “Chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng công an điều tra, làm rõ xem có ai đứng sau tổ chức khai thác vàng trái phép không để xử lý nghiêm” - ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, khẳng định.

Ông Nguyễn Viễn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, cho biết trên địa bàn tỉnh, tình trạng khai thác vàng trái phép đang xuất hiện nhiều ở khu vực miền núi, như: xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh; Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, huyện Nam Giang và huyện Phước Sơn; xã Tư, huyện Đông Giang; xã Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My; xã Phước Đức, Phước Thành và Phước Kim, huyện Phước Sơn...

Sập hầm vàng: Phu vàng đùa với thần chết - 1

Phu vàng liều mình chui vào hầm khai thác sâu hoắm ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam

Trong khi đó, tại tỉnh Hà Tĩnh, sáng 24/9, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo phối hợp với Đồn Biên phòng Hương Quang, huyện Vũ Quang đã tổ chức truy bắt một nhóm người đang khai thác vàng tại khu vực Khe Tro, xã Hương Điền. Phát hiện lực lượng chức năng, nhóm phu vàng đã tháo chạy tán loạn vào rừng nhưng vẫn bị bắt giữ 25 người cùng 8 máy nổ và nhiều dụng cụ khai thác trái phép.

“Nhóm phu vàng bị bắt giữ chủ yếu là người quê ở Nghệ An và Nam Định. Lợi dụng trời mưa lũ, họ đã đem phương tiện máy móc vào khu vực Khe Tro để khai thác vàng trái phép” - thiếu tá Nguyễn Văn Giáp, Phó trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cho biết.

Không nhớ xuể số nạn nhân

Trước vụ sập hầm vàng làm 2 người chết hôm 25/9, hàng loạt tai nạn đã liên tục xảy ra và số nạn nhân “chính thức” - được các cơ quan chức năng nắm bắt - khó thể thống kê hết. Chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay, tại các tỉnh Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh đã có hàng chục phu vàng gặp nạn thương vong.

Ngày 25/4, tại bãi vàng thôn Điền, xã Tư, huyện Đông Giang, phu vàng Phạm Văn Thế - 19 tuổi, quê Ninh Bình - tử vong tại chỗ do hầm sập vùi lấp. Tiếp đến, ngày 5/-5, người dân cùng lực lượng Công an huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã phát hiện và đưa thi thể 3 phu vàng Trần Viết Hoạt (49 tuổi), Hồ Văn Điền (19 tuổi) và Hồ Văn Thương (18 tuổi), đều là dân địa phương, bị chết ngạt nhiều ngày dưới hầm sâu gần 400 m ra ngoài. Sau đó, ngày 16/5, tại núi Kẽm, thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh cũng xảy ra vụ sập hầm khai thác vùi chết phu vàng Bùi Văn Thương (19 tuổi, quê tỉnh Hòa Bình)...

Sập hầm vàng: Phu vàng đùa với thần chết - 2

3 phu vàng chết ngạt dưới hầm sâu ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam hôm 5/5

Ở tỉnh Nghệ An, những vụ sập hầm, sạt mỏ khai thác vàng trái phép làm chết 1-2 người hoặc chỉ bị thương có thể nói là không đếm xuể. Người ta chỉ nhớ đến những vụ tai nạn mà số thương vong cao. Đơn cử, vụ hầm khai thác vàng ở bản Đình Hương, xã Tam Đình, huyện Tương Dương sập vào ngày 1/5/2011 làm 5 người dân địa phương bị đất đá vùi chết; vụ sập hầm ở bản Vong Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương ngày17-7-2012 làm chết 3 người, bị thương 7 người…

Không lẽ bó tay với vàng tặc? Khi chúng tôi đặt vấn đề này, lãnh đạo các cơ quan chức năng ở các tỉnh nói trên cho rằng trước mắt chỉ có thể truy quét, tuyên truyền song các biện pháp này thời gian qua đã không hiệu quả.

“Về lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xem xét có văn bản thống nhất, cụ thể về chính sách, cơ chế bảo vệ tài nguyên khoáng sản cho địa phương. Ngoài ra, những khu vực khoáng sản nhỏ lẻ không đủ quy mô khai thác công nghiệp, trung ương cần giao lại cho địa phương quản lý cấp phép nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép” - ông Nguyễn Viễn đề xuất.

Mùa mưa lũ, rất dễ gặp nạn

Ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An - cho biết trong đợt kiểm tra và truy quét các điểm nóng khai thác vàng trái phép trên địa bàn giữa tháng 9/2013, cơ quan chức năng đã thu giữ hàng chục phương tiện, dụng cụ khai thác và đẩy đuổi hàng trăm phu vàng trái phép ra khỏi khu vực.

“Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người bất chấp nguy hiểm, đổ xô đi đào vàng. Việc khai thác vàng vào mùa mưa lũ đang đến như hiện nay là hết sức nguy hiểm vì rất dễ gặp nạn do lũ ống, lũ quét, sạt lở, sập hầm chôn vùi” - ông Hợi lo lắng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Phương - Đức Ngọc (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN