Sập hầm vàng ở Lào Cai: Chính quyền thừa nhận có "thổ phỉ"
Việc có quá nhiều lò vàng “thổ phỉ” và tình trạng khai thác trái phép tràn lan tại Mà Sa Phìn là một trong những nguyên nhân khiến cơ quan chức năng chưa có thông kê chính xác bao nhiều người tử vong sau trận lũ quét đêm 19/8.
Bãi vàng Mà Sa Phìn nằm ở độ cao 1.800m so với mực nước biển, thuộc thôn Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Đây là rặng núi giáp với dãy Hoàng Liên Sơn.
Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, nơi đây là điểm nóng của nạn vàng tặc từ những năm 2010 tới nay. Số lượng "thổ phỉ" hoạt động tại đây đã lên đến con số hàng trăm người.
Từ sau vụ mưa lũ gây sạt lở núi tối 19/8, vùi lấp nhiều lán trại, cuốn trôi nhiều công nhân, đám phu vàng chen nhau tháo chạy khỏi rốn vàng - rốn lũ Mà Sa Phìn.
Đoạn đường từ trung tâm xã Nậm Xây vào đến bãi vàng khoảng 22km đường đất. Song do mưa lũ cuốn trôi đi ngầm Nậm Xây Luồng và gây sạt lở đường nên từ xã đi vào bãi vàng người ta phải đi bộ.
Những phu vàng lục tục tháo chạy khỏi vụ sạt lở. Ảnh: C.T
Trên đường vào rốn vàng Mà Sa Phìn để xác minh thông tin về con số người chết sau vụ sạt lở nghiêm trọng, chúng tôi đã gặp gỡ nhiều người dân và nhiều đám phu vàng. Họ đã kể những câu chuyện nhức nhối về những mỏ vàng không phép mà người ta vẫn gọi là vàng tặc.
Điều lạ là, hầu như tất thảy đều không dám nói tên tuổi của mình, làm cho bưởng vàng, chủ hầm nào. Họ rụt rè, e sợ nên họ không dám nói ra.
Hỏi về trận lũ kinh hoàng đã vùi nhiều phu vàng, nhưng tất cả đều nói không biết, có người thì lí nhí, chỉ 1-2 người thôi. Nhưng người dẫn đường nói với chúng tôi: “Chúng nó không dám nói đâu, trước khi về, tất cả đều bị giữ lại, quán triệt không được nói rồi".
Nhiều thanh niên trẻ tuổi làm thuê cho các chủ bưởng vàng. Ảnh: C.T
Gặng hỏi chuyện, Dương Văn Thắng (SN 1997, quê ở Bảo Lâm, Cao Bằng) với khuôn mặt tái mét nói: “Em đi bộ từ nhiều giờ từ bãi vàng ra đây, chưa được ăn gì cả. Hôm nọ lán bị đất lở xuống, em bị cuốn trôi đi, lăn lông lốc được mấy mét thì bám được vào gốc cây. Lán em có khoảng 20 người nhưng may vừa chạy ra ngoài thì đất đổ xuống, người bị cuốn đi nhưng đều bám được cây rồi chui vào hang đá nên sống sót.”
Thắng bảo, sáng hôm sau, mọi người nhìn thấy lán của em bị đất đá cuốn trôi, vùi lấp đều nghĩ rằng cả lán đã chết. Khi mọi người bới đất, chui ra từ trong hang ai cũng ngỡ ngàng. Một số công nhân sợ quá bỏ chạy ra ngoài để về quê ngay từ sáng hôm sau.
Đi cùng với Thắng còn có 2 người bạn xêm xêm tuổi, cùng quê là Vừ A Tú và Thành. Trên mặt Tú còn nham nhở các vết xây sát do bị cuốn theo đất lở. Phía sau tai em còn băng bông vết thương do đầu đập vào đá, đến giờ vẫn thấy choáng.
Dương Văn Thắng (cởi trần) và 2 người bạn vào làm tại mỏ vàng cho chủ tư nhân không có hợp đồng lao động, không có bảo hộ. Ảnh: C.T
Thắng cho hay, em đã vào làm ở bãi vàng được gần 1 năm, còn Tú và Thành thì mới vào vài tháng. Các em cho biết mình làm thuê cho “tướng D” (cách gọi các chủ khai thác vàng của dân phu vàng) và không ai có hợp đồng lao động, khi làm việc cũng không có đồ bảo hộ, và đau đớn nhất là khi về cũng không được nhận tiền công.
Thắng kể, sau hôm lán sập thì các em lên gặp tướng và xin lấy tiền công để về nhà. Không những tướng không cho tiền mà còn chửi mắng thậm tệ. Về quê nhưng không có 1 đồng trong người, nhóm Thắng đang rất hoang mang nhưng ở lại bãi vàng thì sợ cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào nên họ quyết định ra ngoài tìm cách về nhà.
Các phu vàng cũng cho biết, ngoài công ty cổ phần Vàng Nhẫn khai thác vàng trong Mà Sa Phìn thì còn nhiều chủ khác làm vàng trong đó. Hầu hết các công nhân mà PV gặp trên đường đều cho biết họ không phải công nhân của công ty cổ phẩn Nhẫn mà làm cho các mỏ tư nhân.
Lán trại của các phu vàng bị sạt lở sau mưa lũ. Ảnh: C.T
Hàng loạt cái tên chủ đầu cai ở các bưởng vàng được kể ra khiến người ta khiếp sợ như: Minh Sẹo, Tuấn Kiên…
Điều này cũng được ông Hoàng Văn Thuận - Phó Giám đốc công ty vàng Nhẫn xác nhận, ngoài diện tích đơn vị được cấp phép quản lý, khai thác thì ở Mà Sa Phìn vẫn có những hầm mỏ khác của cánh vàng tặc.
Sáng 25/8, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Phạm Bình Minh - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, Lào Cai cho biết, tại thời điểm xảy ra sạt lở có khoảng 200 công nhân của Công ty Cổ phần Vàng Nhẫn làm việc tại đây.
Ông Phạm Bình Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, Lào Cai thừa nhận có hiện tượng "thổ phỉ" ở Mà Sa Phìn. Ảnh: C.T
"Đúng là có hiện tượng "thổ phỉ" - những người khai thác vàng trái phép, hàng năm chúc tôi có nhiều đợt truy quét thế nhưng cứ đuổi đi sau đó họ vẫn quay lại. Nói chung còn vàng là họ còn tìm đến đây. Nhiều lúc chính quyền địa phương đã phải bất lực với tình trạng này", ông Minh thừa nhận.
Được biết, cách đây 2 năm, UBND huyện Văn Bàn đã thành lập ban chỉ đạo để ngăn chặn các đối tượng khai thác vàng trái phép, đã truy quét hơn 300 “vàng tặc” tại 16 hầm lò, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa chấm dứt.
Trả lời câu hỏi của PV về việc hiện tại còn bao nhiêu người mất tích sau vụ sạt lở lán trại đêm 19/8, vị phó chủ tịch huyện cho hay: "Chúng tôi mới xác định được thêm 5 nạn nhân tử vong ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Tổng số người chết là 7. Còn số người mất tích chúng tôi vẫn đang trong quá trình xác minh".
Lối vào một hầm khai thác vàng. Ảnh: C.T
Sáng nay, sau khi nhận được chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng yêu cầu tỉnh Lào Cai làm rõ số người bị tử vong tại Mà Sa Phìn, trực tiếp ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã cùng đoàn công tác vào hiện trường để nắm bắt sự việc.
"Vàng tặc" quần nát Mà Sa Phìn Chưa khi nào, tại bãi vàng Mà Sa Phìn hết “nóng” tệ nạn khai thác vàng trái phép. Dù lực lượng liên ngành, dân quân địa phương đã kiên quyết truy quyét, đẩy đuổi nhiều ổ nhóm "vàng tặc" nhưng cũng chỉ là “muỗi đốt xi măng". Trên những ngọn núi cao của bản Mà Sa Phìn có nhiều lò vàng “thổ phỉ” và nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân nơi đây. Không chỉ ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của bà con, những năm gần đây nhiều diện tích trồng thảo quả quanh khu vực khai thác và gần các dòng suối cũng bị chết, vàng lá làm cho sản lượng sụt giảm. Mặt khác, tình hinh an ninh trật tự cũng rất phức tạp, bởi số người làm việc tại các mỏ này lúc nào cũng trên 300 người. Đã xảy ra nhiều trường hợp đánh nhau với người dân cũng như giữa các phu đào vàng với nhau. Nạn khai thác vàng trái phép không chỉ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của địa phương mà còn biến vùng đất của bà con xung quanh những bãi khai thác vàng này trở thành vùng đất “chết”. |