Sắp đưa tàu ngầm Trường Sa ra hồ thử nghiệm

Chủ nhân của tàu ngầm tự chế Trường Sa cho biết, ngày hôm nay (25/3), ông sẽ xả nước, đập bể thử nghiệm để đưa tàu ngầm ra ngoài. Dự kiến, ngày 28/3, tàu ngầm sẽ được thử nghiệm trong hồ nước rộng khoảng 3ha.

Đầu năm 2013, ông Nguyễn Quốc Hòa, 56 tuổi, Giám đốc Công ty Cơ khí Quốc Hòa, ở TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã tự chế tàu ngầm mang tên Trường Sa.

Trao đổi với phóng viên sáng 25/3, ông Hòa cho hay, ngày 24/3, đoàn bên Viện Thiết kế tàu quân sự, Bộ Quốc phòng đã xuống và xem ông trình diễn tàu ngầm trong bể thử nghiệm. Đoàn cũng đề nghị được kiểm tra hệ thống tuần hoàn khí độc lập của tàu ngầm. Theo ông Hòa, sau khoảng gần 1 giờ xem ông trình diễn, Đoàn đã chúc mừng ông và nói tàu ngầm hoạt động tốt.

“Hôm qua là lần thử nghiệm cuối cùng của tàu ngầm Trường Sa trong bể. Đến giờ, mọi thiết bị máy móc của tàu ngầm vẫn hoạt động tốt. Tôi dự kiến sẽ đưa tàu ngầm ra hồ thử nghiệm vào ngày 28/3 tới”, ông Hòa chia sẻ.

Sắp đưa tàu ngầm Trường Sa ra hồ thử nghiệm - 1

Tàu ngầm Trường Sa do ông Hòa chế tạo

Ông Hòa cho biết thêm, trong ngày 25/3, ông sẽ xả nước, đập bể thử nghiệm để đưa tàu ngầm ra ngoài. Đến ngày 28/3, ông sẽ thuê một xe cẩu hạng nặng đến chở tàu ngầm ra hồ thử nghiệm. Hồ rộng khoảng 3ha, sâu từ 2,5 đến 3m. Hồ này ở cách trung tâm thành phố khoảng 3 km.

Khi thử nghiệm, ông Hòa sẽ kiểm tra hệ thống bánh lái, chân vịt, hệ thống điện tử trong con tàu. Dự kiến, ông sẽ thử nghiệm tàu ngầm trong khoảng 1 ngày.

Có mặt trong buổi trình diễn tàu ngầm ngày 24/3, ông Phạm Chí Linh, Viện phó Viện Thiết kế tàu quân sự, Bộ Quốc phòng kể, đoàn của ông có 5 người xuống thăm và xem ông Hòa trình diễn tàu ngầm Trường Sa. Sau khi xem xong, Đoàn đánh giá cao ý tưởng sáng tạo của ông Hòa. Đoàn cũng mong muốn thời gian tới sẽ kết hợp, hỗ trợ ông Hòa để làm tàu ngầm được tốt hơn.

“Một thợ cơ khí có ý tưởng sáng tạo như vậy là rất đáng hoan nghênh. Qua khảo sát, chúng tôi thấy về nguyên lý hệ thống tuần hoàn không khí độc lập của tàu ngầm hoạt động như vậy là tốt”, ông Linh nói.

Sắp đưa tàu ngầm Trường Sa ra hồ thử nghiệm - 2

Tàu ngầm Trường Sa thử nghiệm trong bể xi măng sâu 4,5m, dài 10m và rộng 3,7m.

Kể từ sau Tết Nguyên đán, ông Hòa đã cùng các đồng nghiệp hoàn thiện tàu ngầm, khắc phục các nhược điểm về kỹ thuật và thẩm mỹ. Hiện tại, tàu có hình dáng gọn hơn, không còn thanh ngang, thanh dọc phía trên nóc, cũng không có cánh ở phía trước nữa. Một vài thông số trước đây của tàu cũng đã được giảm xuống để đảm bảo an toàn, như tầm đi xa của tàu ngầm chỉ còn chạy được gần 100km, tốc độ tàu giảm xuống còn 10 hải lý, thời gian lặn khoảng 3 đến 5 tiếng. Bể thử nghiệm xi măng sâu 4,5m, dài 10m và rộng 3,7m.

Theo thiết kế, tàu ngầm Trường Sa có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi. Bán kính hoạt động 800km. Tàu lặn sâu 50m, có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Tàu có 2 động cơ 90Hp.

Khi lặn, tàu sử dụng công nghệ AIP (viết tắt của Air Independent Propulsion - công nghệ không khí tuần hoàn độc lập). Công nghệ AIP tức là động cơ nổ (tàu có 2 máy nổ diesel chạy cùng lúc) phải có không khí, nếu không có không khí thì động cơ sẽ chết. Điều đặc biệt hơn, công nghệ AIP trên tàu ngầm ông Hòa sử dụng, đây là công nghệ tiên tiến, mới có một số ít nước phát triển như: Pháp, Thụy Điển áp dụng thành công.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Tàu ngầm Trường Sa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN