Sắp đổi cách tính lương hưu công chức, viên chức, quyền lợi thế nào?
Tới đây, lương cán bộ, công chức, viên chức sẽ thay đổi cách tính. Đối với người đóng BHXH từ ngày 1/1/2025 thì tính bình quân toàn bộ quá trình đóng, tương tự khu vực doanh nghiệp.
Hiện nay, đối với khu vực Nhà nước, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để tính lương hưu, trợ cấp một lần được tính trong khoảng thời gian 5 đến 20 tháng cuối trước khi nghỉ hưu, tuỳ từng thời điểm tham gia.
Trong khi đó lương hưu của người lao động ở khối doanh nghiệp tính bình quân tổng thời gian đóng.
Nhưng Luật BHXH 2024 khi có hiệu lực, sẽ có thay đổi liên quan tới cách tính này của khối nhà nước. Theo đó, đối với người đóng BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân toàn bộ quá trình đóng, tương tự khu vực doanh nghiệp.
Cách tính lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức đóng BHXH từ 2025
Căn cứ khoản 1 Điều 72 Luật BHXH 2024 vẫn giữ nguyên quy định về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần so với Luật BHXH hiện hành như sau:
Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của số tháng đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau:
- Bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 5 tháng cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 6 tháng cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 8 tháng cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 10 tháng cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 15 tháng cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 20 tháng cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXH.
Nếu như người lao động có quá trình đóng BHXH thuộc cả hai khu vực doanh nghiệp lẫn nhà nước thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng chung của hai giai đoạn. Đồng thời Chính phủ sẽ có quy định chi tiết nội dung này và mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng trong một số trường hợp đặc biệt.
Độ tuổi nghỉ hưu năm 2025
Quy định tuổi nghỉ hưu tại Điều 169 Bộ luật Lao động, số 45/2019/QH14 như sau:
Người lao động được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu khi bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, người lao động trong điều kiện lao động bình thường tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh theo lộ trình:
- Đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028
- Đến khi đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Từ năm 2021, người lao động trong điều kiện lao động bình thường có tuổi nghỉ hưu là:
Lao động nam: đủ 60 tuổi 03 tháng; Lao động nữ đủ 55 tuổi 04 tháng.
Và sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng với lao động nam và 04 tháng với lao động nữ.
Như vậy tuổi nghỉ hưu năm 2025 trong điều kiện lao động bình thường như sau:
- Của lao động nam: 61 tuổi 3 tháng
- Của lao động nữ: 56 tuổi 8 tháng.
Người lao động được hưởng lương hưu tối đa là 75% cần phải đáp ứng đủ điều kiện đủ tuổi nghỉ hưu và thời gian bắt buộc đóng BHXH
Nguồn: [Link nguồn]