Sập biệt thự cổ: Cư dân "tố" ngành đường sắt vô tình vì không cho thuê nhà nữa

Các hộ dân phải di dời sau vụ sập biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) rất “sốc” khi hay tin Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chuẩn bị chấm dứt cho họ thuê nhà.

Kế hoạch này đã được trình lên lãnh đạo Thành phố Hà Nội từ ngày 12/10 nhưng người dân không hề hay biết.

Toàn bộ 62 hộ dân phải di dời sau vụ sập biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo đã nhóm họp trong sáng nay (26/10) để thống nhất phương án kêu cứu lên UBND Thành phố.

Ông Nguyễn Đình Hải, tổ trưởng tổ dân phố 107 Trần Hưng Đạo bức xúc: “Chúng tôi rất “sốc” trước việc làm vô tình của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Họ làm mà không nghĩ đến việc rồi đây 62 hộ dân với gần 300 con người sẽ ôm chăn chiếu ra đường. Trong khi tai họa ập đến, nỗi đau mất người, mất tài sản, mất việc làm chưa nguôi ngoai”.

Sập biệt thự cổ: Cư dân "tố" ngành đường sắt vô tình vì không cho thuê nhà nữa - 1

Ông Nguyễn Đình Hải: "Bà con "sốc" trước sự vô tình của TCT ĐSVN)

Cũng theo ông Hải ngay sau khi sập biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo trưa 22/9, các đơn vị của UBND Thành phố Hà Nội đã sốt sắng giúp người dân khắc phục tai nạn.

“Thành phố bố trí cho chúng tôi đến nơi ở mới. Phía Tổng công ty đường sắt Việt Nam chưa một lần gặp gỡ các nạn nhân. Hàng chục chiếc xe máy và của cải của người dân bị hỏng tôi đã thống kê và gửi văn bản lên Tổng công ty đến nay vẫn chưa có phản hồi. Một số người bị thương phải cấp cứu bệnh viện, trong đó có bà nhà tôi, họ cũng chưa có một lời hỏi thăm, chưa có một khoản hỗ trợ nào", ông Hải nói.

Lúc ngôi nhà đổ sập xuống, bà Nguyễn Thị Tiêu (vợ ông Hải) đang quét rác ở lối ngõ đi ra vào. Toàn bộ khối đất đá, gạch vữa đè hết lên người bà. Nghe tiếng đổ rất to, ông Hải phải gọi người mới đưa vợ mình ra khỏi đống đổ nát. Sau khi xuất viện, bà Tiêu phải nằm một chỗ. Hiện nay, bà đã tháo bột và có thể ngồi dậy. Bà cho biết, đến nay chi phí điều trị đã lên tới 20 triệu đồng.

Trong số 62 hộ buộc phải di dời sau vụ sập, 47 hộ được bố trí ở tạm tại CT1 khu đô thị Định Công. Còn lại 15 hộ khác phải tự lo chỗ ở.

Anh Nguyễn Ngọc Sơn, hiện là công nhân ngành đường sắt cho biết: “Hôm sập nhà, may mắn gia đình tôi không ai bị làm sao. Tuy nhiên, khi hoàn hồn trở lại thì nỗi lo nơi ăn chốn ở lại ập đến. Thành phố nói chỗ này là ở tạm, bà con chẳng biết được chính quyền thu xếp cho ở tạm đến bao giờ. Bà con cũng thắc mắc không biết hỏi ai có mất tiền thuê nhà không? Hoang mang hơn là nghe tin ngành đường sắt chấm dứt hợp đồng thuê nhà. Vậy, không biết rồi gần 300 con người sẽ đi đâu về đâu”.

Sập biệt thự cổ: Cư dân "tố" ngành đường sắt vô tình vì không cho thuê nhà nữa - 2

Bà Nguyễn Thị Tiêu bị tường đổ trúng người, bà thoát chết nhưng phải nằm một chỗ hơn 1 tháng mới có thể ngồi dậy được.

Trong biên bản cuộc họp của 62 hộ dân nêu nguyện vọng được trở về 107 Trần Hưng Đạo để ổn định cuộc sống.

Ông Hải cho biết: “Khu bị sập là hội trường, còn khu nhà ở chưa vấn đề gì. Cơ quan chức năng sớm khảo sát lại. Nếu nhà vẫn tốt, bà con muốn sau khi sửa chữa khắc phục xong được trở lại đó. Nếu nhà không bảo đảm, ngành đường sắt phải có trách nhiệm giúp chúng tôi có nơi ở mới. Bây giờ ở nơi tạm cư này, đa phần ngồi chơi, bởi nghề xe ôm không quen địa bàn, quán trà đá không có chỗ, cửa hàng cửa hiệu không có để hành nghề… Bà con rất nóng ruột”.

Ông Hải cho biết tới đây, đại diện cho các hộ dân sẽ gặp lãnh đạo ngành đường sắt để đề đạt nguyện vọng của họ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương ([Tên nguồn])
Sập nhà cổ 2 người chết ở Hà Nội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN