Sao chổi hay thiên thạch "tấn công" nước Nga?
Các nhà khoa học Nga vẫn chưa đi đến được thống nhất rằng vụ thiên thạch rơi tại Nga là do thiên thạch hay sao chổi gây ra.
Giới nghiên cứu Nga bất đồng quan điểm
Nhiều nhà khoa học thuộc Học viện Vật lý địa cầu Nga cho rằng vụ thiên thạch rơi ở Nga là do sao chổi gây ra. Bằng chứng mà họ đưa ra là nồng độ phân tử nước trong quỹ đạo Trái đất vào thời gian sắp xảy ra vụ va chạm tăng đáng kể. Mà điều này trùng với đặc điểm cấu tạo chủ yếu là băng của sao chổi.
Trong khi đó, rất nhiều nhà khoa học khác lại khẳng định đây là hậu quả do thiên thạch gây nên.
Sergei Lamzin, phó hiệu trưởng Viện thiên văn quốc gia P.Shtenberg thuộc Đại học quốc gia Moscow cho rằng: “Có thể khẳng định những mẩu thiên thạch tìm thấy là chondrite điển hình. Tôi khó có thể tưởng tượng được đây là sao chổi”.
Nhiều người, như Vladimir Lapshin, giám đốc Viện Vật lý địa cầu Fedorov, thì cho rằng, đây là thiên thạch, nhưng có nhiều dấu hiệu của sao chổi.
Mẩu thiên thạch này có nguồn gốc từ sao chổi hay thiên thạch?
Các nhà khoa học Việt Nam nói gì?
Ông Nguyễn Đức Phường, tổng Thư ký Hội Thiên văn-Vũ trụ Việt Nam cho rằng vụ rơi thiên thạch không thể có nguồn gốc từ sao Chổi bởi 3 lý do sau:
Thứ nhất: Nếu là sao chổi thì chúng ta đã dễ dàng phát hiện dù đường kính nhân chỉ vài km và xác định được quỹ đạo bay của nó.
Thứ hai: Thành phần chủ yếu của sao chổi là băng khô chứ không phải là hơi nước và nếu có hơi nước thì cũng khó có thể có nhiều đến thế trong khí quyển.
Thứ ba: Đây có thể là thiên thạch thuộc vành đai tiểu hành tinh giữa sao Mộc và sao Hỏa và đã hình thành hàng tỉ năm trước.
Đồng quan điểm này, tiến sỹ Lê Huy Minh, Phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cũng cho rằng có thể khẳng định chắc chắn rằng đây là thiên thạch chứ không phải sao chổi như nhiều ý kiến đưa ra.