Sáng nay, Việt Nam phóng vệ tinh viễn thám

Vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 của Việt Nam dự kiến sẽ được phóng vào lúc 9 giờ 6 phút sáng nay, ngày 7/5 (giờ Hà Nội).

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vào hôm nay, 7/5, dẫn lời đối tác, bà Tédaldi Brigitte, Giám đốc dự án của Astrium cho biết: "Thời tiết tại sân bay vũ trụ Kourou, Guiana thuộc Pháp đang diễn biến theo xu hướng thuận lợi cho việc phóng vệ tinh VNREDSat-1 vào 9 giờ 06 phút sáng ngày 07/5/2013, giờ Hà Nội". (Theo giờ địa phương là 23 giờ 6 phút 31 giây tối 6/5).

Tuy nhiên, các thông số về khí tượng một lần nữa sẽ được kiểm tra trước thời điểm phóng 20 phút. Hiện tại mọi công tác kỹ thuật chuẩn bị phóng vệ tinh đang được tiến hành khẩn trương theo đúng kế hoạch.

Sáng nay, Việt Nam phóng vệ tinh viễn thám - 1

Hình ảnh vệ tinh VNREDSat-1 trên bệ phóng (Ảnh từ Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam)

Trước đó, vào sáng ngày 4/5, vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 đã phải hoãn phóng lên quỹ đạo do thời tiết xấu. Cụ thể, theo TS Bùi Trọng Tuyên, Viện phó Viện Công nghệ vũ trụ Việt Nam, 20 phút trước khi phóng vệ tinh VNREDSat - 1, tại Kourou gió to quá nên không thể thực hiện việc đưa vệ tinh của Việt Nam vào quỹ đạo như dự kiến.

Dự án VNREDSat-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu euro, từ vốn vay viện trợ phát triển chính thức của chính phủ Pháp và 65 tỉ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Sau khi được đưa vào quỹ đạo, vệ tinh VNREDSat-1 sẽ giúp Việt Nam chủ động cung cấp ảnh vệ tinh chất lượng và độ phân giải cao cho các bộ, địa phương có nhu cầu sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, vệ tinh sẽ góp phần đánh giá và ứng phó với cháy rừng, bão lũ, tràn dầu cũng như nhiều thảm họa thiên nhiên khác.

Đây là vệ tinh viễn thám đầu tiên thuộc quyền sở hữu của Việt Nam được phóng lên vũ trụ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật hình ảnh và tin tức sự kiện này mời quý độc giả theo dõi...

Vệ tinh VNREDSat-1 là vệ tinh quang học quan sát Trái đất, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt trái đất. Nhiệm vụ của nó là chụp ảnh ở kênh toàn sắc (PAN) và 4 kênh đa phổ (MS) với thời gian chụp lặp lại là 3 ngày.

Vệ tinh có quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO), độ cao là 680 km. Độ phân giải mặt đất là 2,5m (PAN) và 10m (MS). Vệ tinh có kích thước 600mm x 570mm x 500mm và nặng khoảng 120kg. Tuổi thọ theo thiết kế là 5 năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN