Sáng nay 5/2, tuyên án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm
Hôm nay 5-2, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng cùng 6 đồng phạm về tội tham ô tài sản.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa - Ảnh: TTXVN
Theo thông báo của Hội đồng xét xử (HĐXX), 9 giờ sáng nay 5-2 (sau 1 ngày nghị án), TAND Hà Nội sẽ tuyên án với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC, và Đinh Mạnh Thắng, em trai ông Đinh La Thăng, cùng 6 đồng phạm trong vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).
Theo cáo trạng, ngày 27-3-2010, nhóm 5 cổ đông sáng lập Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương thống nhất ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ 24 triệu cổ phần sở hữu tại dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại, văn phòng cao cấp Nam Đàn Plaza ở đường Phạm Hùng (Hà Nội) cho Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ 1-5, với giá 20.756,34 đồng/cổ phần, tương đương 52 triệu đồng/m2. Trong khi 4 cổ đông thực hiện việc chuyển nhượng với giá trên thì cổ đông còn lại là PVPLand - đơn vị sở hữu nhiều cổ phần nhất (50,5%) - chỉ bán với giá 13.578 đồng/cổ phần, tương đương 34 triệu đồng/m2. Tổng giá trị cổ phần chuyển nhượng chỉ 191 tỉ đồng, giảm 87 tỉ đồng so với giá chuyển nhượng của 4 cổ đông nêu trên.
Trong vụ mua bán này, cáo trạng nêu rõ do PVP Land muốn chuyển nhượng cổ phần phải được phép của công ty mẹ là PVC nên bị cáo Thái Kiều Hương, nguyên phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Việt San - một trong 5 đơn vị là cổ đông sáng lập Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương, đã gặp Đinh Mạnh Thắng để nhờ thu xếp cuộc gặp với chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh. Bị cáo Hương biết anh trai của bị cáo Thắng (ông Đinh La Thăng) là người có thể tác động đến bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Cuối tháng 3-2010, qua kết nối của bị cáo Thắng, bị cáo Hương đã gặp Trịnh Xuân Thanh tại một nhà hàng trên đường Xuân Diệu. Tại đây, bị cáo Hương đã đề cập việc chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương.
Sau cuộc gặp, Trịnh Xuân Thanh chấp thuận phương án chuyển nhượng với giá tương đương 34 triệu đồng/m2. Cáo trạng thể hiện lời khai của các bị cáo: phần 18 triệu đồng/m2 chênh lệch sẽ chuyển cho một số người vì tính tổng giá vẫn là 52 triệu đồng/m2 như đã thống nhất tại hợp đồng đặt cọc. Sau phi vụ này, Trịnh Xuân Thanh được nhận 14 tỉ đồng, Đinh Mạnh Thắng nhận 5 tỉ đồng cùng nhiều bị cáo khác hưởng tổng số 49 tỉ đồng từ Lê Hòa Bình "lại quả".
Tại phiên toà, VKS đề nghị mức án chung thân với bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Bị cáo Đinh Mạnh Thắng bị đề nghị 11-12 năm tù, 6 bị cáo khác bị VKS đề nghị mức án từ 8 đến 18 năm tù.
Đại diện VKS cho rằng hành vi của các bị cáo thỏa mãn tội "Tham ô tài sản". Căn cứ tài liệu chứng cứ, VKS quyết định truy tố Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo tội danh trên là đúng người, đúng tội, đúng quy định. "Quá trình điều tra trước đây, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai báo gian dối. Sau khi bị cáo Thái Kiều Hương đòi lại 19 tỉ đồng, theo lời khai của bị cáo Đinh Mạnh Thắng, bị cáo Thanh còn chỉ đạo bị cáo Thắng nói với bị cáo Hương giữ bí mật về việc chuyển tiền cho Thanh và Thắng, coi như tiền mới đến Hương và được hợp pháp hóa thành tiền mua cổ phần" - đại diện VKS nêu rõ.
Đại diện VKS đồng thời nhấn mạnh: "Bị cáo Thanh lần thứ hai bị đưa ra xét xử, bị luận tội về tội "Tham ô tài sản" - tội danh tham nhũng mà xã hội lên án. Do vậy, đề nghị HĐXX có hình phạt thích đáng đối với bị cáo để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật".
"Bị cáo đã trả lại tiền cách đây 8 năm, nếu đã không tuyên dương bị cáo thì cũng phải khuyến khích".