Sẵn sàng xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Mới đây, Ban quản lý (BQL) điện hạt nhân Ninh Thuận đã tổ chức tập huấn, tham quan lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cho hơn 15 đoàn đến từ Ninh Thuận. Dự kiến năm 2014, sẽ khởi công xây dựng hạ tầng phục vụ việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2.

Giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc BQL dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết, dự kiến năm 2014 sẽ khởi công xây dựng hạ tầng phục vụ việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2. Thời điểm khởi công chính thức nhà máy phụ thuộc quyết định của Thủ tướng.

Trong giai đoạn 1 sẽ tiến hành làm lò số 1, lò số 2 với công suất 1.000-1.200KW. “Đấu nối với hệ thống lưới điện quốc gia có 6 tuyến 500KV, 1 tuyến đi Vĩnh Tân, 2 mặt đi về Bình Phước, 1 mặt nối với nhà máy Ninh Thuận 2 ở phía bắc, 1 mặt dự phòng để đấu nối với một số thủy điện Đơn Dương, Bắc Ái phát điện lên lưới”, ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, diện tích sử dụng cho công trình sẽ ít hơn so với yêu cầu đưa ra trong giai đoạn quy hoạch. Về công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh đang tư vấn, kiểm tra, kiểm kê khu tái định cư phía bắc cho khoảng 300 hộ gia đình, xây dựng hạ tầng cấp nước…

Hiện ở nước ta đang vận hành lò phản ứng nghiên cứu tại Đà Lạt với công suất 0,5 MW, và đang chuẩn bị dự án xây dựng lò 1,5 MW. Lò phản ứng nghiên cứu này đã đưa ra những phân tích kích hoạt, sản xuất đồng vị, pha tạp vật liệu bán dẫn, nghiên cứu hiệu ứng sai hỏng và bền vững bức xạ; nghiên cứu thiết kế lò phản ứng và nhiên liệu hạt nhân; sử dụng chùm nơtron ngoài lò; phát triển nguồn nhân lực vận hành nhà máy.

Sẵn sàng xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận - 1

Toàn cảnh lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: Nguyên Thảo.

Phóng xạ ở mức cho phép

Theo PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, Viện phó Viện Nghiên cứu hạt nhân Việt Nam, lo lắng phổ biến nhất của người dân Ninh Thuận là về mức độ phóng xạ và an toàn điện hạt nhân. Ông Điền khẳng định, mức độ phóng xạ trong và ngoài nhà máy điện hạt nhân sẽ ở mức độ cho phép.

“Có khoảng trên 15 đoàn đến thăm quan nhà máy điện hạt nhân, hầu hết người dân đều lo lắng về an toàn điện hạt nhân, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống. Sau khi nghe giải thích, họ đã hiểu vấn đề nhiều hơn, thậm chí có người còn mong muốn xin chính quyền Ninh Thuận không bắt họ di chuyển sang khu tái định cư”, ông Điền nói.

Hiện nay trên thế giới có 32 nước có nhà máy ĐHN với 435 tổ máy đang vận hành, 66 tổ đang xây dựng và 162 đã có kế hoạch xây dựng. Tổng điện hạt nhân khoảng 372.000 MWe, chiếm 13% lượng điện thế giới. Các nước có nhiều tổ máy điện hạt nhân gồm: Hoa Kỳ (100), Pháp (58), Nhật Bản (50), Nga (33), Hàn Quốc (23), Trung Quốc, Ấn Độ (20), Canada (19), Anh (16), Ukraine (15), Đức (9)…

Theo phân tích của ông Nguyễn Nhị Điền, môi trường luôn tồn tại 2 loại phóng xạ là phóng xạ tự nhiên và phóng xạ nhân tạo. Hiện nay, tất cả mọi người đều đang chịu phóng xạ tự nhiên, càng ở trên cao càng phải chịu mức phóng xạ nhiều hơn, phóng xạ tự nhiên chiếm khoảng 82%. Trong khi đó, phóng xạ nhân tạo được sinh ra từ các sự cố hạt nhân vẫn tồn dư nhiều năm nay, chiếm khoảng 18%.

Ông Điền cho biết, 10 năm trước đã có những khảo sát phóng xạ đất đá, nước biển cho đến những sinh vật, thủy hải sản như tôm, cá ở Ninh Thuận.

“Bằng những dự liệu đã thu thập được, nếu ai cần được chứng minh về việc hoạt động của nhà máy điện hạt nhân tác động đến môi trường hay không, chúng tôi sẽ chứng minh. Sự quan tâm môi trường đất đá ở Ninh Thuận, phóng xạ ở Ninh Thuận là sự quan tâm của cộng đồng. Chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ cộng đồng”, ông Điền nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Nhị Điền khẳng định thêm: “Một sự cố hạt nhân mang tính quốc tế nên sự quan tâm an toàn không chỉ liên quan đến một tỉnh, một quốc gia mà liên quan đến toàn thế giới”.

Ông Điền cho biết, nhân sự hoạt động nhà máy điện hạt nhân không chỉ là người rất hiểu biết về điện hạt nhân mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như cơ khí, hóa học, công nghệ thông tin đặc biệt là điện, tự động hóa.

“Việc đào tạo phải kết hợp đào tạo trong nước và ngoài nước bằng các hình thức đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Ở trong nước, đào tạo ngắn hạn để có kỹ thuật ban đầu sau đó, gửi đi các nước khác. Đây là sự đào tạo tổng hợp từ nhiều ngành, nhiều trường khác nhau”, ông Điền nói.

Về vấn đề an toàn ĐHN, theo ông Điền có nhiều yếu tố như yếu tố công nghệ phải chọn công nghệ tốt, việc xây dựng phải an toàn, quản lý phải có khung pháp lý phải đầy đủ, cơ sở xây dựng quy trình quy phạm để đáp ứng khung pháp lý, phải có quy trình riêng để khi vận hành thực hiện nghiêm túc quy trình quy phạm. Như vậy công nghệ, pháp lý, con người phải được hết hợp với nhau.

Nếu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình về an toàn bức xạ, làm việc trong các cơ sở hạt nhân là đảm bảo an toàn sức khỏe. Nhân viên chịu liều cao nhất trong một năm (1 mSv) còn thấp hơn liều của một lần chụp bằng CT vùng ngực là 1,5 mSV, ông Điền cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Thảo (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN