Săn quan tài huỳnh đàn giá bạc tỷ

Ngay tại thời điểm này, sau một thời gian đảo điên lòng người với giá trị cao ngất ngưởng, mỗi ký lô lên đến hơn chục triệu đồng gây nên những cuộc tranh cướp, tìm chặt trên rừng lẫn giữa phố, huỳnh đàn hay cây sưa… vẫn sốt âm ỉ trong lòng người.

Dẫu không còn um xùm như ngày trước nhưng những cuộc chiến liên quan đến loài danh mộc này vẫn diễn ra âm ỉ, phường con buôn, cánh đầu nậu hễ nghe ai hoặc nơi đâu có "sưa" là đổ đến "thỉnh" về. Nếu không mua được bằng tiền thì chúng không ngại "chơi bài" trộm cướp!

Ít ai biết được một số kẻ còn chú tâm săn tìm huỳnh đàn được dùng làm áo quan của những tử thi quyền quý, thu nạp từ dân quật mồ chuyên xâm hại cổ mộ!

Câu chuyện dân buôn đồ độc săn những cỗ quan tài bằng gỗ huỳnh đàn hé lộ khi chúng tôi đến huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) tìm hiểu về nghề buôn trầm của người dân vùng này. Vạn Ninh có xã Vạn Thắng với hàng trăm hộ dân kiếm sống bằng nghề ngậm ngải tìm trầm, soi trầm (mua những cây gió bầu về loại bỏ phần thân gỗ để lấy lõi trầm - PV), làm nhang trầm… và buôn trầm.

Hành trình này đã đưa chúng tôi gặp nhiều dân ngậm ngải “ăn lộc Bà Cô" kỳ cựu (dân đi trầm tin rằng Thánh mẫu Thiên Y A Na là "bà chúa trầm hương" và kính cẩn gọi là Bà Cô, chỉ những ai thành tâm mới được Bà Cô ban lộc). Từ những lần gặp gỡ trò chuyện ấy, bên cạnh vô số chuyện ngậm ngải tìm trầm giữa rừng sâu vừa ly kỳ, huyền bí lẫn ghê sợ trước vô số bi cảnh người tìm trầm bị núi lở đá đè, bị trăn quấn, hổ vồ, voi giày và bị cả phường lục lâm thảo khấu giết hại để cướp trầm kỳ…, chúng tôi được nhiều dân làng trầm bật mí rằng, Vạn Ninh từng là đại bản doanh của cây huỳnh đàn mà nhiều người chỉ bán bộ bàn ghế, giường tủ đã kiếm được hàng trăm triệu đồng, có người ôm vô bạc tỉ…

Để rõ hơn về cuộc chiến săn lùng gỗ sưa khá khốc liệt của cánh con buôn lẫn đầu nậu, chúng tôi tìm đến Hạt Kiểm lâm huyện Vạn Ninh và được Hạt trưởng Lê Văn Tân "đãi" nhiều chuyện ly kỳ về nghề ngậm ngải tìm trầm và cả chuyện cây sưa xứ Vạn.

Theo lời ông Tân, không dừng lại ở cây gió bầu sinh tạo trầm hương, núi rừng Vạn Ninh với vô số ngọn núi hùng vĩ, hiểm trở còn là vương quốc của cây gỗ sưa: "Vài thập niên trước, núi rừng Vạn Ninh nhiều sưa lắm. Hồi đó, so với giáng hương thì sưa kém xa nên những gia đình giàu có chẳng chuộng đóng đồ nội thất bằng sưa. Thế nên mới có chuyện ly kỳ là một vài năm trở lại đây, khi huỳnh đàn lên cơn sốt, nhiều gia đình ở Vạn Ninh bỗng chốc phát tài nhờ những bộ bàn ghế được đóng từ gỗ huỳnh đàn mà ngày trước cánh nhà giàu chẳng thèm dòm ngó".

Lãnh đạo kiểm lâm huyện Vạn Ninh cho chúng tôi biết khá nhiều chuyện ly kỳ khác về cơn sốt huỳnh đàn như có người chỉ bán cái giường đã có trong tay bạc tỉ. Và có người vì sở hữu đồ nội thất bằng huỳnh đàn đứng trước nguy cơ mất mạng bởi sự tấn công táo bạo của những đối tượng thảo khấu,  giữa đêm khuya kéo băng nhóm đến cướp phá và thản nhiên rinh những bộ bàn ghế trị giá hàng trăm triệu đồng.

Bận ấy cũng là lần đầu tiên chúng tôi được thấy cây gỗ sưa bằng xương bằng thịt được trồng trong trụ sở hạt và nhớ mãi tâm tình của ông Tân khi chẳng biết phường đầu nậu tung tiền tỉ mua bàn ghế, giường tủ bằng gỗ sưa để làm gì: "Người thì bảo dân nhà giàu bên Trung Quốc xem đây là gỗ phong thủy có tác dụng trừ tà, kẻ thì nói là gỗ tích tụ linh khí của trời đất nếu để trong nhà sẽ vượng phát. Lại có người đồn đoán sau khi thu về, người Trung Quốc ép chiết từ huỳnh đàn ra chất trị ung thư gì đó!".

Bận đến Vạn Ninh gặp cư dân sở tại và lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện trước Tết Nguyên đán 2013, chúng tôi thu thập, ghi nhận được vô số chuyện ly kỳ như thế và có trong tay một vài số điện thoại của những đầu nậu tuyên bố có bao nhiêu tấn huỳnh đàn cũng mua, nếu loại tốt sẽ mua với giá đến 20 triệu đồng/kg. Đeo bám những đầu nậu này một thời gian, có thời điểm sang tận Campuchia lần theo những nguồn hàng bí mật, bên cạnh những mánh khóe, thủ thuật lọc lừa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi biết được dân đầu nậu không chỉ mua bán sưa tươi được chặt từ các cánh rừng, sưa thành phẩm (đã được đóng bàn ghế), cánh đầu nậu còn mua cả những cỗ quan tài bằng gỗ sưa được phường săn lùng đồ cổ khai quật phi pháp từ những ngôi cổ mộ.

Chuyện càng trở nên ly kỳ hơn khi chúng tôi được biết không như những lô hàng sưa được chặt từ rừng hay từ thu gom tại các miền quê hẻo lánh sau khi thu mua sẽ được xuất sang Trung Quốc theo những lộ trình ma quỷ nào đó, phường buôn quan tài huỳnh đàn khi đó được chiến lợi phẩm thường chẻ nhỏ bán cho khách hàng trong và ngoài nước (chủ yếu Trung Quốc) vốn dĩ nặng nề chuyện dị đoan, những thầy bùa thầy ngải, những kẻ khoái chuyện quỷ ma để làm bùa hộ mạng… theo những đường dây buôn bán bí mật!

Săn quan tài huỳnh đàn giá bạc tỷ - 1

Một góc phố cổ Lê Công Kiều - nơi theo ông S. từng diễn ra những cuộc mua bán cổ vật tùy táng và cả quan tài huỳnh đàn.

"Huỳnh đàn là loại gỗ phong thủy được các nhà tướng số cũng như người xưa dùng để làm áo quan cho người chết nhờ có đặc tính hút khí âm, khử được mùi tanh hôi, khử trùng và quan trọng hơn người ta tin người chết khi được an táng bằng áo quan tạc từ gỗ huỳnh đàn thì đời con cháu không chỉ giữ được những gì đang có mà còn làm rạng ngời thế lực, gia tăng của cải, giúp thỏa lòng liệt tổ liệt tông. Người xưa cũng tin gỗ huỳnh đàn có tác dụng trấn quỷ trừ tà, giúp linh hồn người chết được thanh bạch, mau sớm siêu thoát… Nói tóm lại, về mặt gia dụng thì gỗ huỳnh đàn không được người xưa xem trọng nhưng trong lĩnh vực an táng người chết, áo quan huỳnh đàn luôn ở vị thế quán quân vì những tính năng ấy".

Từ một cơ may, chúng tôi tiếp cận được Mười S., một trùm buôn đồ cổ có tiếng lẫn có máu mặt tại khu phố cổ Lê Công Kiều, quận 1, TP HCM và được ông này tiết lộ những chuyện hấp dẫn khó tưởng tượng được liên quan đến những cỗ quan tài bằng huỳnh đàn. Ông S. năm nay 67 tuổi, đến với thú sưu tầm và buôn bán cổ vật tính đến nay cũng gần nửa thế kỷ, ngần ấy thời gian đủ để ông nếm trải đủ mọi phong ba bão táp, những lọc lừa man trá cũng như dấn thân vào nhiều phi vụ buôn đồ cổ thuộc loại độc như kiếm báu, đồ ngự dụng của các vua triều Nguyễn, đồ trang sức tùy táng trong cổ mộ của những bậc quyền quý ngày trước và kinh khủng hơn là những cỗ quan tài bằng huỳnh đàn.

"Chẳng phải đợi đến khi người Trung Quốc sang tổ chức thu mua với giá trên trời, từ nhiều năm trước, gỗ huỳnh đàn đã được nhiều người săn lùng với giá trên trời" - ông S. ra chiều bí mật: "Có điều thứ gỗ huỳnh đàn đó không phải là gỗ nguyên khối, cũng không phải là thứ đã được đẽo đục làm bàn ghế giường tủ mà là gỗ đã được sử dụng làm áo quan cho người chết".

Ông S. không nói rõ giá cả của những thương vụ buôn quan tài huỳnh đàn mà ông đã từng tham gia cũng như thông tin chi tiết về những người mua những cỗ quan tài ấy. Ông chỉ cho biết ngay tại thời điểm này, vẫn còn rất nhiều người lắm tiền tin rằng những phiến gỗ từ quan tài huỳnh đàn rất linh, đặc biệt là với dân khoái cầu cơ, có thời điểm họ không tiếc tiền, sẵn sàng trả đến mấy cây vàng cho phiến gỗ huỳnh đàn mang hơi hướm người chết vì tin rằng gỗ hòm như thế khi tạc hình con cơ dùng để cầu cơ rất thần hiệu.

Lại có người dùng gỗ hòm huỳnh đàn tạc làm bùa hộ mạng để tránh bị người cõi âm "dựa"…: "Không như các loại áo quan khác, gỗ huỳnh đàn để hàng trăm năm dưới lòng đất chẳng bị hư hại gì. Và có một điều lạ là xác người khi được an táng trong quan tài bằng gỗ huỳnh đàn sẽ không bị tan rã mà khô quắt lại. Càng lạ hơn là khi hút tử khí người chết, gỗ huỳnh đàn phát mùi thơm dễ chịu, gỗ có màu đỏ như máu bầm. Đây là lý do giúp người ta không bị nhầm lẫn gỗ từ quan tài huỳnh đàn với các loại danh mộc khác".

Để có quan tài huỳnh đàn bán cho các con buôn như ông S., từ nhiều năm qua, có những toán quân chuyên săn lùng, đào bới các cổ mộ khắp từ Nam chí Bắc, chủ yếu từ cổ mộ ở khu vực miền Nam. Ông S. tiết lộ vùng Sài Gòn - Gia Định là nơi có nhiều cổ mộ của những bậc danh gia vọng tộc nhất và đây là miếng mồi béo bở của bọn săn mộ cổ trái phép để kiếm vàng bạc và đồ tùy táng cũng như cuỗm cả quan tài huỳnh đàn.

Chuyện phường săn cổ mộ lén lút đào bới những ngôi mộ xưa để hôi của cải vốn là đồ tùy táng người ta nói nhiều nên chẳng có gì lạ. Nhưng chuyện chúng chú tâm giành giật những cỗ quan tài bằng huỳnh đàn và chuyện những chiếc áo quan này được người ta săn làm bùa hộ mạng, đẽo tượng làm pháp khí trừ tà, hay dùng để cầu cơ hoặc trấn yểm tử khí gì đó thì quả là chuyện hơi bị lạ, nghe qua cứ ngỡ đó là chuyện hoang đường nhưng kỳ thực, đó là chuyện lạ có thật. Điều này không chỉ được giới con buôn như ông S. tiết lộ mà còn được học giả-nhà chơi cổ vật Vương Hồng Sển ghi chép rất rõ trong những tập sách biên khảo Sài Gòn năm xưa của mình.

Săn quan tài huỳnh đàn giá bạc tỷ - 2

Không chỉ dòm ngó những ngôi mộ cổ còn sót lại ở đất Sài Gòn - Gia Định, phường đào bới cổ mộ còn bạo gan nhăm nhe bới đào nơi an nghỉ của các vị vua Nguyễn

Theo lời kể của cụ Vương, ngày 16/11/1953, nhân danh đại diện quản thủ Pháp Viện Bảo tàng Sài Gòn, cụ Vương đến làng Hòa Hưng (nay gần khu vực ga Sài Gòn) trông coi người ta bốc một ngôi mộ vô thừa nhận để cất nhà. Mộ này đã bị phá từ mấy ngày trước chỉ chừa cái hòm chưa cạy nắp: "Thấy chiếc quan tài bằng cây huỳnh đàn mà đoán địa vị người ấy khi xưa ắt cũng làm lớn lắm, giàu lắm. Ván hòm cứng thật, ngoài da mốc mốc, đất ăn xầy xầy tưởng bở. Chạm sâu một phân tay cứng rắn vô cùng.

Thậm chí cái máy khoan điện thuở nay nào biết kiêng nên thứ gì, sắt đá nó còn nhai như bánh bột thế mà máy khoan đâm không thủng nắp hòm, khoét được lỗ nào chỉ đứt sâu lỗ đó, chung quanh vẫn y nguyên. Khoan cả mấy giờ không xuể đâu vào đâu, phu phá mồ xổ chữ nho nghe mà mệt. Thét rồi chúng chạy về lấy búa thầu và đục thép cỡ lớn ra nói chuyện với huỳnh đàn… Hòm mở toang ra, chúng hốt lấy hốt để, từ hòm huỳnh đàn chuyển cốt qua một cái quách nhỏ bằng cây tạp dầu. Chiếc hòm quý huỳnh đàn mới làu làu phu phá mồ thừa hưởng, bán manh bán mún cho phường dị đoan đem về làm ghế, xây bàn cầu cơ…".

Đấy là ghi chép của cụ Vương hơn 50 năm trước. Cách chúng ta hơn nửa thế kỷ mà câu chuyện huỳnh đàn cụ viết tưởng như mới hôm qua, tưởng như những cuộc quật mồ cứ hiển hiện trước mắt. Và như đã nói, rõ ràng chuyện kể của vụ Vương đã là minh chứng sống động cho những chia sẻ của ông S. về thị trường đen săn lùng - mua bán quan tài huỳnh đàn từ nhiều năm qua nhưng ít được ai biết. Ông S. chia sẻ rằng, chẳng biết đến nay chỉ riêng tại Sài Gòn có bao nhiêu cổ mộ bị người ta quật mồ lấy quan tài bằng gỗ huỳnh đàn nhưng chắc rằng đó không phải là con số khiêm tốn!

Khi chúng tôi hỏi chuyện có thể ước đoán được Sài Gòn còn bao nhiêu cổ mộ có khả năng có quan tài bằng gỗ huỳnh đàn, ông S. đưa ra dự cảm buồn: "Chẳng còn bao nhiêu nữa đâu vì đã bị bọn xấu quật mồ cả rồi. Những cổ mộ nào may mắn được chính quyền, gia tộc bảo vệ gìn giữ may ra còn nguyên nhưng tại Sài Gòn này, con số đó đếm chưa hết 10 đầu ngón tay".

Ở phạm trù dân sinh nào đó, khép lại những chuyện trái khoáy, người ta thường đúc kết bằng lời kêu gọi "hãy làm gì đó trước khi quá muộn" nhưng trong trường hợp này, sự thể trái ngược bởi theo như ông S. có làm gì thì chuyện cũng đã quá muộn rồi! Dẫu muộn nhưng tôi cũng thấy tiếc, thấy đau, lòng ước gì các nhà bảo tàng cố gắng "săn” được một chiếc quan tài huỳnh đàn như thế để cho hậu thế mai sau biết được chuyện an táng, ướp xác của người xưa, bởi như thế cũng là lưu giữ muôn đời sau chuyện của một phần lịch sử!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Dũng (An ninh Thế giới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN